Văn Miếu đón khách trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
“Không gian văn hóa Quốc Tử Giám” ứng dụng công nghệ để đón khách trực tuyến
“Không gian văn hóa Quốc Tử Giám” ứng dụng công nghệ để đón khách trực tuyến
TP - Hơn nửa năm đóng cửa không chỉ là thiệt hại về nguồn thu, đó còn là rào cản khiến nhiều người không thể tiếp cận với giá trị văn hóa ở di tích quốc gia đặc biệt này. Mở ra không gian cho các hoạt động trực tuyến chính là sáng kiến thu hút hàng nghìn người, là cách làm sáng tạo thích ứng với COVID-19.

“Với người làm việc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (VM-QTG), niềm vui lớn nhất là được đón khách tham quan. Nhưng mấy tháng nay, di tích được mệnh danh như ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam thời quân chủ không có bóng dáng của du khách nào. Vượt lên trên hoàn cảnh, cán bộ nhân viên VM-QTG có thời gian lắng lại để tập trung nghiên cứu, đưa ra các hoạt động, sản phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách tham quan”, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học VM-QTG nói tại tọa đàm trực tuyến Đánh thức tiềm năng văn hóa Việt.

Tin vui nhất với Trung tâm và du khách chính là dự án tổ chức các hoạt động trên nền tảng số trong điều kiện còn giãn cách, di tích chưa mở cửa. Trung tâm phối hợp với nhóm các bạn trẻ của Nhóm Gavisto ra mắt Không gian văn hóa Quốc Tử Giám.

Không chỉ quảng bá các hoạt động văn hóa giao lưu tại không gian văn hóa này, những người thực hiện cung cấp các thông tin về lịch sử Việt Nam trung đại, tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật gần gũi với người trẻ trong và ngoài nước; trò chuyện chia sẻ về giá trị và sức sống của giáo dục xưa trong bối cảnh xã hội hiện đại. Trên hai nền tảng mạng xã hội Facebook và Instagram, Không gian văn hóa Quốc Tử Giám đã thu hút hơn 2 nghìn người đăng ký theo dõi.

Việc chấp thuận và hỗ trợ nhóm bạn trẻ thực hiện Không gian văn hóa Quốc Tử Giám chứng tỏ tư duy rộng mở của lãnh đạo Trung tâm, phá bỏ tường rào ngăn cách với công chúng. Ông Trương Quốc Toàn, Trợ lý giám đốc tại Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam): “Chúng ta đã đưa các giá trị của di sản đến với người xem, không ngồi chờ một cách thụ động. Tôi cho rằng, đây là tư duy cần cho các điểm di tích”.

Góp ý cho không gian văn hóa vận hành hiệu quả hơn, các khách mời cho rằng dự án số hoá không nên chỉ chú trọng vào công nghệ. Công nghệ chỉ chiếm một phần, hai phần còn lại phải được chăm chút hơn cả là nội dung và cách thức trình bày. Chẳng hạn, khách tham quan chỉ biết 82 bia tiến sĩ ở VM-QTG được đặt trên rùa đá với những hàng chữ Nho ít người hiểu được. Vì thế, với ứng dụng công nghệ, những người thực hiện cần để những tấm bia đá lên tiếng kể về cuộc đời, những đóng góp của hơn 1.000 vị tiến sĩ thông qua hình ảnh, biểu đồ hoặc phát động những cuộc thi sáng tác truyện tranh hay tiểu thuyết.

Văn Miếu-Quốc Tử Giám là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống, có sức sống qua thời gian. Ông Lê Xuân Kiêu nhận định điều quan trọng là phát huy giá trị, đánh thức truyền thống.

“Giá trị nào được nhận diện chưa đúng như hiện tượng sĩ tử đến kỳ thi lại tới sờ đầu rùa hay vái lạy ở bia Hạ Mã cần được nhận thức lại và thay đổi hành vi. Giá trị của VM-QTG như chúng ta nói là về tinh thần tôn sư trọng đạo, coi trọng hiền tài - những giá trị phi vật thể thường nghe thấy - tuy nhiên để hiểu rõ hơn, chúng ta cần chuyển những giá trị trừu tượng thành hoạt động, sản phẩm cụ thể”, ông Kiêu nêu.

MỚI - NÓNG