Xung quanh chuyện nón Huế bị 'cắm sừng'

TPO - Trước làn sóng tranh cãi ngày càng dữ dội của cộng đồng mạng về việc "cắm sừng nón Huế", ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế, Trưởng ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế cho biết hôm nay (3/5) ban tổ chức sẽ họp để đánh giá lại sự việc.

Những ngày gần đây, sau khi hình ảnh các thiếu nữ trong tà áo dài tím đội chiếc nón có gắn chữ "HUE" trong sự kiện lễ tế tổ bách nghệ – lễ rước tôn vinh nghề diễn ra vào chiều tối 29/4 trong khuôn khổ Festival nghề truyền thống Huế 2019 do UBND TP Huế (Thừa Thiên - Huế) tổ chức xuất hiện trên mạng xã hội đã gây nên một làn sóng tranh cãi dữ dội từ dư luận về việc có nên“cắm sừng” nón Huế.

Xung quanh chuyện nón Huế bị 'cắm sừng' ảnh 1  

Chia sẻ với truyền thông, nhà thiết kế Minh Hạnh, người đưa ra ý tưởng trên cho biết đây là công nghệ đèn led được sử dụng rộng rãi trong nghệ thuật biểu diễn. Cụ thể, chữ "HUE" được làm bằng chất liệu format, màu tím, xung quanh trang trí đèn led và được gắn lên trên chiếc nón; quanh vành nón lớn nhất cũng được trang trí bằng công nghệ này.

Chị giải thích thêm rằng chữ "HUE" có kích cỡ to, rõ ràng, không phải một tạo hình mang tính biểu trưng, không trừu tượng do đó không thể coi đó là cái sừng. "Tại sao họ không hiểu đó là một vương miện cho Huế? Người ta nói vậy thì xúc phạm luôn Huế rồi và tự làm cho Huế thấp kém đi. Nhưng người ta nghĩ thế thì mình cũng phải lắng nghe".

Xung quanh chuyện nón Huế bị 'cắm sừng' ảnh 2
Xung quanh chuyện nón Huế bị 'cắm sừng' ảnh 3

Tại sự kiện lễ tế tổ bách nghệ – lễ rước tôn vinh nghề có khoảng 40 chiếc nón được gắn chữ "HUE" như vậy. Còn tại lễ khai mạc (tối 26-4), bế mạc (1-5) của festival, mỗi chương trình có 100 chiếc nón xuất hiện trên sân khấu.

Nhà thiết kế này khẳng định, việc gắn chữ “HUE” lên nón nhằm mục đích làm cho hình ảnh Huế lung linh hơn trong những ngày hội về đêm. Tuy nhiên bà bày tỏ rằng “Không hiểu vì sao nhiều người nhìn ra đó là ái sừng, chuyện này hơi lạ. Cái gì mới cũng cảm thấy lạ, tạo hình làm sao là cái sừng được", chị nói.

Trên khắp các diễn đàn và mạng xã hội, đa phần các ý kiến đều bày tỏ sự phản đối với ý tưởng trên của nhà thiết kế Minh Hạnh và cho rằng áo dài tím và nón là là hình ảnh biểu tượng của Huế, chỉ cần đó thôi cũng đã thấy Huế rồi. Do đó không cần phải gắn thêm chữ “HUE” lên nón lá bởi việc này vừa thừa thãi vừa đem đến hình ảnh không được đẹp mắt và làm mất đi vẻ đơn giản, đoan trang và dịu dàng vốn có của người phụ nữ Huế. “Thiết kế là một lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo, nhưng dùng các hình ảnh đã trở thành biểu tượng văn hóa mà cho đi ... mọc sừng thì bó tay!”, một người viết.

Xung quanh chuyện nón Huế bị 'cắm sừng' ảnh 4  
Xung quanh chuyện nón Huế bị 'cắm sừng' ảnh 5

Nhiều ý kiến phản đối việc "cắm sừng nón Huế".

Trong khi đó một số ý kiến khác lại tỏ ra ủng hộ ý tưởng này vì “Nghệ thuật là phải và sáng tạo không ngừng, nếu nhất nhất theo một khuôn mẫu có sẵn thì chắc là không phải nghệ thuật rồi... Việc gắn chữ HUE trên chiếc nón không phải kiểu thiết kế để ứng dụng ngoài đời sống mà nó có tính nhất thời trong khuôn khổ 1 lễ hội. Chữ “HUE” gắn trên nón bằng công nghệ led giúp cho chương trình biểu diễn trong đêm lung linh nhiều sắc màu hơn”.  

Trước làn sóng tranh cãi ngày càng dữ dội của cộng đồng mạng và dư luận, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế, Trưởng ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế chia sẻ với Lao động rằng ngày 5/3 ban tổ chức sẽ họp để đánh giá lại sự việc. Vì ông cho rằng không thể lấy ý kiến của một cá nhân người nào đó rồi cho đó là quan điểm chung của xã hội, của dư luận được.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.