Huế loay hoay với Người đàn ông cúi chào

Bức tượng “Người đàn ông cúi chào” chưa biết đặt ở đâu tại Huế
Bức tượng “Người đàn ông cúi chào” chưa biết đặt ở đâu tại Huế
TP - Bức tượng “Người đàn ông cúi chào” do một địa phương Hàn Quốc trao tặng cho Huế đang khiến dư luận quan tâm, với nhiều ý kiến trái chiều: Có nên tiếp nhận tượng, tác phẩm điêu khắc cỡ lớn liệu phù hợp không gian văn hóa kiến trúc Cố đô; khi tiếp nhận sẽ đặt tượng ở đâu?

Mới đây, ông Cho Kwang Han, thị trưởng thành phố Namyangigu (Hàn Quốc), ngỏ ý tặng cho Huế - thành phố hợp tác hữu nghị với Namyangigu - một bức tượng mang tên “Người đàn ông cúi chào”. Trong lúc món quà tặng được cho là mang ý nghĩa về sự tôn trọng, thán phục, hòa giải và hòa bình này còn chưa được Huế tiếp nhận, thì chính quyền tỉnh và thành phố phải hai lần tổ chức họp lấy ý kiến về việc tiếp nhận tác phẩm này, cũng như xem xét, cân nhắc nên đặt bức tượng ở đâu tại Huế.

Khi ngỏ ý tặng tượng, phía Hàn Quốc gợi ý đến ba vị trí đặt tượng là Kinh thành Huế, chợ Đông Ba và công viên bờ Bắc sông Hương - đoạn đối diện Trung tâm Văn hóa Huế (rạp Hưng Đạo cũ). Mặc dù gợi ý là vậy, nhưng phía Hàn Quốc cho rằng, Huế nên quyết định chọn vị trí đặt tượng để phù hợp với văn hóa Cố đô.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TT-Huế) đồng tình với việc tiếp nhận bức tượng, bởi lẽ việc đón nhận món quà là ứng xử rất văn hóa, thể hiện tình hữu nghị của hai địa phương. “Vấn đề là vị trí đặt tượng ở đâu cho phù hợp với văn hóa của thành phố di sản như Huế, là điều cần xem xét kỹ càng”, ông Hoa chia sẻ.

Còn theo ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, thành phố Huế là trung tâm văn hóa quốc tế, tại đây có nhiều tác phẩm điêu khắc của nhiều nước trên thế giới qua các lần tổ chức Trại điêu khắc quốc tế trong khuôn khổ những kỳ Festival Huế, cho nên, việc tiếp nhận bức tượng “Người đàn ông cúi chào” âu cũng là chuyện bình thường. Về vị trí dựng tượng, ông Nguyễn Đắc Xuân cho rằng, Hàn Quốc vừa tài trợ cho Huế xây dựng cầu đi bộ gỗ lim, nên việc lựa chọn điểm đặt tượng cần gắn kết với công trình này, tức cũng ở ven sông Hương.

Còn theo góp ý của ông Nguyễn Xuân Hoa, tượng “Người đàn ông cúi chào” là tác phẩm nhân bản, phù hợp với kiến trúc đương đại. Huế có khu đô thị mới An Vân Dương đang phát triển, cho nên chọn vị trí đặt tượng ở khu đô thị này là hợp lý, không ảnh hưởng gì đến nét văn hóa di sản Huế. Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh TT-Huế, bày tỏ: “Huế nên tiếp nhận bức tượng, đây là một tác phẩm nghệ thuật và không có gì dung tục. Vị trí đặt tượng có thể ở trục đường lớn Tố Hữu, vì đây là không gian đô thị mới với đường sá rộng lớn, phù hợp với quy mô, chiều cao của tác phẩm”.

 Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về phương án đặt tượng, bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh Văn phòng UBND tỉnh TT-Huế, thông tin: “Ngày 13/3, UBND thành phố Huế đã chủ trì buổi họp để trao đổi và xin ý kiến các nhân sĩ, trí thức, nhà nghiên cứu về việc tiếp nhận, cách thức và quy mô lắp đặt tác phẩm “Người đàn ông cúi chào”. 

Chiều 3/4, UBND tỉnh đã có cuộc họp với UBND thành phố Huế và các sở, ngành liên quan để lấy ý kiến vị trí đặt bức tượng. Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, thông tin: “Đa số ý kiến tại cuộc họp ngày 3/4 đã đồng tình việc tiếp nhận tượng. Còn vị trí đặt tượng, UBND tỉnh sẽ tổng hợp để báo cáo xin ý kiến của Ban thường vụ Tỉnh ủy. Vị trí đặt tượng ở đâu sẽ do Thường vụ Tỉnh ủy quyết định và chỉ đạo”.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.