NSND Đặng Thái Sơn: Bố dạy hãy chân thật, không quỵ lụy và cần có sự kiêu hãnh

NSND Đặng Thái Sơn nhớ về bố. Ảnh: Nguyên Khánh
NSND Đặng Thái Sơn nhớ về bố. Ảnh: Nguyên Khánh
TPO - NSND Đặng Thái Sơn thẳng thắn chia sẻ nhiều điều về bố đẻ - ông Đặng Đình Hưng. Ông Hưng là nhà thơ, nhạc sĩ cùng thời với các văn nghệ sĩ như Văn Cao, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt. Tọa đàm ra mắt sách “Đặng Đình Hưng-Một bến lạ” tại Viện pháp Hà Nội, tối 20/1 nhằm tưởng nhớ 30 năm mất của ông Đặng Đình Hưng.

NSND Đặng Thái Sơn là một trong những người chủ trì dự án tưởng niệm nhà thơ Đặng Đình Hưng. Danh cầm cắt nghĩa tên của ông: “Khi tôi chưa lọt lòng bố đặt tên Đặng Thái Sơn. Mình liên tưởng ngay tới câu Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Nhưng ở đây còn nghĩa khác: Thái là họ của má tôi, Thái Thị Liên. Rất bình đẳng”.

“Lúc tôi lọt lòng gia đình sống êm ả tại 28 Tống Duy Tân. Nhà rất đông, con anh, con em, con chúng ta. Tôi là út, nhà ai cũng học đàn cho tới tôi khi ấy bố mẹ bảo ầm ĩ qua rồi, không cần học đàn nữa. Sự đời khi bố mẹ nói không, con cứ ứ ừ thế là các cụ theo dõi thấy tôi có vẻ quan tâm đến cây đàn, do má tôi dạy đàn nên có cây đàn trong nhà. Thấy con hay lân la bên cây đàn, khi đó ông bà mới đè thằng bé ra xem có lỗ tai không. Muốn học đàn phải có năng khiếu, với nghệ sĩ dương cầm lỗ tai rất quan trọng. Sau khi thử thấy các cụ cứ thì thầm, tôi sau đó được học đàn”, NSND Đặng Thái Sơn kể.

NSND Đặng Thái Sơn: Bố dạy hãy chân thật, không quỵ lụy và cần có sự kiêu hãnh ảnh 1 Tọa đàm nhân 30 năm mất nhà thơ, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng
Bố NSND Đặng Thái Sơn là nhạc sĩ, nhà thơ Đặng Đình Hưng đã vạch những dòng kẻ đầu tiên ghi các nốt nhạc lên giấy dạy con trai, còn mẹ Thái Thị Liên cầm tay con trai đặt lên cây đàn những phím đầu tiên. Ở thời kỳ phải đi sơ tán, cậu bé Đặng Thái Sơn theo mẹ, còn bố về quê Chương Mỹ (Hà Tây).

“Thời gian gần bố nhất có lẽ là đầu những năm 1970 khi trở về Hà Nội. Nhà có hai phòng lớn 22m2 tôi ở với má tôi, phòng bố tôi được 4m2. Cụ ngủ, ăn, làm việc ở đó. Đặc biệt là những giờ phút ngâm thơ thăng hoa, thằng bé nép ngoài cửa hóng nghe. Phòng 4m2 nên chỉ được bốn, năm người ngồi. Những người hay lui tới có những người cùng cảnh như bác Văn Cao, chú Trần Dần, bác Hoàng Cầm, thế rồi có những người có chức vị hơn như bác Đỗ Nhuận, chú Văn Ký”, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn kể.

NSND Đặng Thái Sơn: Bố dạy hãy chân thật, không quỵ lụy và cần có sự kiêu hãnh ảnh 2 NSND Đặng Thái Sơn và nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc biểu diễn tác phẩm lấy cảm hứng từ sáng tác của ông Đặng Đình Hưng
Ông nghĩ rằng có lẽ bố mình hợp với nhạc sĩ hơn, có lẽ vì “cái tôi không đụng đến nhau”. “Về văn thơ mấy ông rất thân với nhau lắm, bác Văn Cao, chú Trần Dần ngày nào cũng gặp, thế rồi bẵng đi mấy tuần không thấy đâu cả, y như rằng lại giận nhau vì văn thơ”, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn cười cười nhớ lại.
NSND Đặng Thái Sơn: Bố dạy hãy chân thật, không quỵ lụy và cần có sự kiêu hãnh ảnh 3 Nhạc sĩ Văn Cao (trái) và nhạc sĩ Đặng Đình Hưng
Khi này NSND Đặng Thái Sơn bắt đầu vào tuổi niên thiếu và ở giai đoạn hình thành nhân cách, Đặng Thái Sơn được bố để ý. Không những chỉ về cách sống, thiên hướng nghệ thuật mà ông Đặng Đình Hưng còn đứng từ xa tia lại nhìn con trai ngồi đàn, từ cái lưng tới vẻ mặt, dáng đi. Đặng Thái Sơn cứ răm rắp đi theo lời dạy của bố. 

“Trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống phải chân thật, không được quỵ lụy hay khuất phục và bên trong có sự kiêu hãnh. Tôi nghĩ có lẽ mà vì vậy cho nên sự kiêu hành ngầm giúp tôi chiến thắng cuộc thi Chopin, dù lúc đó tôi hoàn toàn đơn thương độc mã”, NSND Đặng Thái Sơn hàm ơn những uốn nắn, chỉ dạy của cha.

NSND Đặng Thái Sơn: Bố dạy hãy chân thật, không quỵ lụy và cần có sự kiêu hãnh ảnh 4 NSND Đặng Thái Sơn và mẹ là nghệ sĩ Thái Thị Liên
Cuộc đời như bản nhạc có lúc êm ả đấy, nhưng có cao trào bi thương. Đó là giữa những năm 1970, nhà thơ Đặng Đình Hưng và nghệ sĩ Thái Thị Liên chia tay, Đặng Thái Sơn chuẩn bị sang Liên Xô học nhạc. Bố mẹ chia tay một phần cũng là để hợp thức hóa cho Đặng Thái Sơn đi học nước ngoài.

“Nhiều lúc tôi cũng chẳng hiểu sao ông bà lấy nhau, bởi vì cá tính cực mạnh, khác nhau. Văn hóa khác nhau, má tôi phương Tây hơn, bố tôi theo truyền thống. Cuối cùng nghĩ lại chắc cùng từ cái chân chật trong cuộc sống và trong nghệ thuật. Khi bố mẹ chia tay thì suy sụp ghê gớm, bố cần mẹ, mẹ cần bố. Người sáng tác như bố cần có hậu phương vững chắc. Má tôi ít ra đảm bảo cơm nước, sinh hoạt đều đặn. Lúc mất hậu phương cụ sụp, sụp đến mức như vô gia cư tiến tới bệnh tật. Má tôi cũng thế. Má tôi cần cái đầu của bố. Bố tôi chuyên tham mưu, khuyên má nên làm gì, vì những cư xử xã hội, kỹ năng ngoại giao của má tôi là zero”, NSND Đặng Thái Sơn nhắc lại cuộc chia tay của cha mẹ.

NSND Đặng Thái Sơn: Bố dạy hãy chân thật, không quỵ lụy và cần có sự kiêu hãnh ảnh 5 NSND Đặng Thái Sơn nhờ chuyến bay giải cứu để về Việt Nam

Thời gian đen tối nhất với ông Đặng Đình Hưng có lẽ là năm 1980. “Ngày cụ nhập viện lao là ngày tôi ngồi thi chung kết cuộc thi Chopin bên Ba Lan. Sau đó vinh quang mang lại được nhà nước ưu ái. Giải Chopin cứu cả nhà. Bố tôi từ chỗ nằm chờ chết, không có tiền bạc, không trong danh sách ưu tiên gì cả sau đó được điều kiện tốt nhất có thể trong nước”, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn nói. Hai bác sĩ đầu ngành là ông Hoàng Đình Cầu, Tôn Thất Tùng mổ cho ông Đình Hưng, ông sống thêm 10 năm trong điều kiện tương đối thoải mái. Nghệ sĩ Thái Thị Liên sang Liên Xô cũ cùng con trai.

“Gần đây mạng xã hội xào, chia sẻ bài về Đặng Thái Sơn là con ghẻ hay con cưng của chế độ. Tôi chỉ có một lựa chọn. Tôi chọn làm con ngoan của bố tôi”, NSND Đặng Thái Sơn khẳng định.

MỚI - NÓNG
Miền Bắc oi nóng kéo dài
Miền Bắc oi nóng kéo dài
TPO - Hôm nay (14/11), các tỉnh miền Bắc tiếp tục duy trì thời tiết hanh khô, oi nóng với nhiệt độ cao nhất 32-33 độ, dự báo kéo dài trong vài ngày tới. Các khu vực khác trên cả nước cũng ngày nắng, ít mưa.