Ông Hiến hình như có cộng tác vẽ truyện tranh ở mảng sách Kim Đồng. Có lẽ ông là một trong những họa sĩ Việt Nam đầu tiên mà tôi được gặp cùng với các ông Nguyễn Đức Nùng, Nguyễn Tư Nghiêm, Tạ Thúc Bình, Phạm Văn Đôn. Ấn tượng còn đến tận bây giờ của tôi về ông vẫn rất đậm nét. Một ông trung niên tầm thước có đôi mắt hóm hỉnh gần như lúc nào cũng cười. Nói năng cực kì gãy gọn mạch lạc và duyên. Có khá nhiều câu chuyện hai ông nói rất nhỏ với nhau. Chỉ thấy gật gù rồi cười lớn bên chiếc điếu cày ám khói. Giờ thì có thể tạm hiểu rằng những năm tháng ấy với các cụ quả là lắm chuyện buồn cười. Toàn những chuyện không thể nói to được. Và cũng có thể nói thế hệ các ông là những người thày đầu tiên dẫn dắt tôi vào con đường nghệ thuật.
Thật ngạc nhiên là về sau các cụ gần như không còn gặp gỡ thù tạc với bố tôi nữa. Cũng có thể là khi về già bố tôi bị lãng tai nên rất ngại tiếp xúc. Thế nhưng với tôi thì khác hẳn. Các cụ vẫn yêu quí tôi như con cháu trong nhà và trong câu chuyện thường ngày vẫn luôn nhắc đến bố tôi.
Tôi không có dịp được thọ giáo họa sĩ Mai Văn Hiến về nghề vẽ. Đó là thiệt thòi cho cả một thế hệ chúng tôi. Thế nhưng bác cháu gặp nhau thường xuyên bên chiếu rượu cũng gần như là một khóa học dài hạn cho đến tận ngày cụ mất. Cụ Hiến vẽ không nhiều. Gần như toàn bộ sự nghiệp của cụ chúng ta có thể chiêm ngưỡng được ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Thế nhưng rất ít ai được chiêm ngưỡng những tác phẩm kí họa của cụ ngày còn ở chiến khu Việt Bắc. Đó là những bức vẽ cực kì sống động miêu tả các anh bộ đội cụ Hồ. Những nét vẽ trong trẻo ấy trực tiếp đi vào lòng khán giả nhiều thế hệ và có lẽ với riêng tôi nó vĩnh viễn nằm lại ở một tầng sâu kí ức không bao giờ phai mờ.
Cụ Hiến là người hay rượu. Nói ra điều ấy thì không ai có thể bàn cãi được nữa. Họa sĩ gần như ông nào cũng rượu. Nhưng uống đến mức “hay” thì chỉ có vài người mà thôi. Cụ Hiến uống rượu như một cách hành đạo. Không nhiều mà cũng chẳng ít. Chỉ vừa đủ chạm ngưỡng. Ít ai thấy cụ Hiến say bao giờ. Hay ngược lại cũng ít ai thấy cụ Hiến hoàn toàn tỉnh táo. Bởi những câu chuyện hài hước của cụ luôn được kể bên chiếu rượu. Càng uống chuyện càng hay. Chuyện của cụ không bao giờ là thứ chuyện dễ nghe và dễ hiểu. Người nghe luôn phải động não. Cụ bảo như thế mới là góp chuyện. Tính cách hài hước của cụ còn ghi lại rất nhiều dấu ấn trong những tranh biếm họa một thời. Chắc rằng không một ai thuộc thế hệ chúng tôi quên được bức tranh biếm họa khét tiếng của cụ. Đó là bức tranh vẽ ba người trên bục vinh quang. Anh bó bột một tay đứng ở bậc thấp nhất. Anh bó bột một tay một chân đứng ở bậc thứ nhì. Anh bó bột toàn thân ở trên bục cao nhất.
Cụ Hiến uống rượu một cách rất bình dân dù rằng kiến thức về rượu tây rượu tàu của cụ thì lớp con cháu chúng tôi phải học cả đời không hết. Những năm tháng bao cấp chiến tranh nghèo khổ cụ chỉ có một thứ rượu nút lá chuối duy nhất để uống. Và hàng quán cũng chỉ là những chỗ tầm thường ở góc Nguyễn Du-Quang Trung hay bà Liễu rạp xiếc. Hôm nào sang lắm thì có thêm vài chiếc pê đan (chân gà) bà Đồng ở Hàng Bè.
Cụ Hiến uống rượu không kén người. Ai cũng có thể ngồi với cụ được. Và đều vui. Đã có hôm đang uống cụ bắt tôi đèo xe đạp về nhà. Hỏi sao thế? Cụ bảo cái Oanh nó dặn tao về sớm! Đúng là lúc đến đón cụ đi cô Mai Ngọc Oanh đã dặn tôi thế rồi. Nhưng vài chén là quên hết. Cụ vẫn nhớ. Tôi chở cụ về đến cổng 65 Nguyễn Thái Học giao tận tay cô Oanh. Cụ mủm mỉm cười khá bí hiểm. Tôi đạp xe trên phố Nguyễn Thái Học quay lại chiếu rượu. Đi được vài trăm mét bỗng thấy tiếng chuông xích lô đổ dồn phía sau. Quay đầu lại đã thấy cụ nheo mắt cười khoái trá. “Nó bảo tao về thì tao về nhưng nó có bảo đừng đi nữa đâu!”. Thế là cụ lại rời xích lô lên xe đạp tôi quay lại quán rượu.
Cụ Hiến là người có bụng liên tài. Già trẻ trai gái dù bất cứ ai có chút tài năng là cụ nhiệt thành ủng hộ. Có lẽ chính vì thế mà cụ rất hợp với công việc ở Hội mỹ thuật. Hình như chưa có cán bộ Hội mỹ thuật nào được các hội viên và cơ quan hội yêu quí như cụ Hiến. Mọi việc đến tay cụ đều được giải quyết tận tình chu đáo như việc nhà. Tôi còn nhớ như in lời cụ thường phiền trách trong các bữa rượu: “Tại sao bảo tàng nó lại không mua tranh của Đỗ Phấn nhỉ?”. Tôi im lặng cười trừ. Và đến bây giờ thì có thể giải tỏa được câu hỏi của cụ rồi. Đơn giản là vì tôi không bán tranh cho bảo tàng. Nhưng lúc cụ còn tại thế tôi đã không bao giờ đủ can đảm để nói với cụ điều ấy.
5-2020