Cài thêm dự án tâm linh?
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang ký văn bản số 450 ngày 30/10 báo cáo Bộ VHTTDL về tình hình triển khai dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh Lũng Cú, huyện Đồng Văn và dự án Thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao tại thị trấn Đồng Văn. Hai dự án này hiện đang tạm đình chỉ thi công.
Bộ Văn hóa ngày 25/10 khẳng định hai dự án khu du lịch sinh thái tâm linh của Hà Giang “chưa tuân thủ quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, chưa thực hiện đúng các ý kiến của Bộ VHTTDL”. Dự án khu du lịch sinh thái tâm linh Lũng Cú đang thực hiện giai đoạn 1 với các hạng mục xây dựng chùa Lũng Cú, diện tích xây dựng 2.343 m2 (trên tổng diện tích 5,8 ha đã bồi thường, giải phóng mặt bằng).
“Theo kiểm tra thực tế, vị trí hiện trạng khu vực thực hiện dự án 5,8 ha nằm ngoài khu vực 2 - khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, danh thắng cột cờ Lũng Cú khoảng 150 m”, UBND tỉnh Hà Giang khẳng định, đồng thời vẫn cho rằng từng hai lần xin ý kiến Bộ, đều được Bộ có văn bản phúc đáp và hướng dẫn thực hiện đúng Luật Di sản: Hoàn thành việc cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích cột cờ Lũng Cú chỉ đạo chủ đầu tư dự án hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường và được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ngày 2/11/2018.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang còn khẳng định dự án “phù hợp các quy hoạch liên quan” do Thủ tướng phê duyệt: Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013; quy hoạch Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017; quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2025, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017.
Tuy nhiên, tại Quyết định số 438/QĐ-TTG ngày 7/4/2017 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký nêu rõ: Vùng bảo vệ cảnh quan, danh lam thắng cảnh trong đó riêng khu bảo vệ cảnh quan di tích Cột cờ Lũng Cú diện tích 101,5 ha gồm phạm vi Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia Cột cờ Lũng Cú và khu vực phụ cận. Bảo vệ hệ sinh thái trên núi đá vôi kết hợp với bảo tồn di tích Cột cờ Lũng Cú, cột mốc biên giới phía Bắc, phát triển du lịch tham quan dã ngoại. Như vậy, Quy hoạch của Chính phủ không nhắc tới du lịch tâm linh, trong khi đó dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh Lũng Cú dành nhiều diện tích cho công trình tâm linh như xây chùa, khu vực phục vụ Phật giáo.
Bảo tồn thế nào?
Việc phê duyệt dự án thuộc thẩm quyền địa phương, tuy nhiên khu du lịch sinh thái tâm linh Lũng Cú phá vỡ cảnh quan, không nằm trong Quy hoạch của Thủ tướng. Ông Nguyễn Văn Sơn, trong báo cáo Bộ VHTTDL cho rằng dự án du lịch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ phát triển du lịch địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội. Thực tế là dự án khu du lịch này bất chấp việc phá vỡ cảnh quan, dường như đang núp bóng văn hóa tâm linh.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam không quản lý những khu tâm linh như Lũng Cú, tuy nhiên Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cho rằng: “Phải nhìn nhận ở góc độ cột cờ Lũng Cú là một địa danh linh thiêng, cho nên khi xây dựng bất kỳ cái gì cũng phải nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng trong tổng thể của khu vực đó. Ý thức khi làm việc này chính là ý thức với những anh hùng liệt sĩ hi sinh để giành giật từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Quan điểm của GHPGVN là cho dù xây dựng công trình gì, như thế nào thì phải đảm bảo cảnh quan ở nơi đó không bị phá vỡ. Khu du lịch gì cũng vậy, phải đảm bảo được môi trường tự nhiên gắn với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; thứ hai là môi trường xã hội, là đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc. Không nên áp đặt văn hóa miền xuôi đưa lên miền núi, mà phải nghiên cứu kỹ càng”.
Không riêng Hà Giang, nhiều địa phương đang hướng tới xây dựng các khu du lịch văn hóa tâm linh quy mô lớn. Thượng tọa Thích Đức Thiện cho rằng việc đó liên quan quy hoạch phát triển mỗi địa phương. Đồng ý nhận định khu du lịch tâm linh có chiều hướng “nở rộ”, tuy nhiên Thượng tọa cho rằng cần xem xét khách quan để xã hội nhìn nhận đúng. Người dân hiện nay không chỉ đi du lịch văn hóa, sinh thái, tâm linh ở trong nước mà cả nước ngoài rất nhiều. Nếu nhìn rộng ra thế giới thì các khu du lịch tâm linh ở ta chưa thể sánh với Thái Lan, Trung Quốc…
“Rõ ràng, những công trình này nếu được lựa chọn xây dựng đúng vị trí, bối cảnh thì sẽ mang đến những thay đổi lớn về diện mạo nhờ vào phát triển du lịch. Tuy thế, về nguyên tắc là phải đặt lợi ích chung lên trên hết, phải bảo vệ tài nguyên, bảo vệ các di sản văn hóa. Với góc nhìn Phật giáo, khai thác tài nguyên cần phải hài hòa để phát huy giá trị những tài nguyên đó chứ không phải hủy hoại tài nguyên đó. Vì vậy, cần phải đặt mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản lên trên mọi lợi ích, lợi nhuận. Ngược lại, khi các di sản được bảo tồn thì sẽ thu hút được du khách lâu dài”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.
“Với góc nhìn Phật giáo, khai thác tài nguyên cần phải hài hòa để phát huy giá trị những tài nguyên đó chứ không phải hủy hoại tài nguyên đó. Vì vậy, cần phải đặt mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản lên trên mọi lợi ích, lợi nhuận. Ngược lại, khi các di sản được bảo tồn thì sẽ thu hút được du khách lâu dài”.
Thượng tọa Thích Đức Thiện
Không vì thu hút đầu tư mà phá vỡ cảnh quan!?
UBND tỉnh Hà Giang sau khi kiểm tra thực tế yêu cầu nhà đầu tư dự án du lịch sinh thái tâm linh Lũng Cú tạm dừng thi công, đồng thời “giao cơ quan chức năng rà soát về trình tự thủ tục đầu tư dự án, trên cơ sở đó sẽ yêu cầu nhà đầu tư tuân thủ thủ tục đầu tư đúng quy định pháp luật; không vì thu hút đầu tư mà phá vỡ cảnh quan môi trường”.
Đối với dự án thang máy ngắm cảnh ở Đồn Cao, UBND huyện Đồng Văn đã tạm đình chỉ thực hiện dự án theo thẩm quyền từ tháng 8/2019, yêu cầu chủ đầu tư di dời vật liệu, máy móc, thiết bị thi công ra khỏi khu vực dự án, thông báo cho nhà đầu tư chỉ được phép triển khai khi hoàn thiện thủ tục, quy trình theo quy định pháp luật.
UBND tỉnh Hà Giang đề nghị Bộ VHTTDL hướng dẫn, chỉ đạo địa phương trong quá trình rà soát, xử lý đối với hai dự án. Trên cơ sở nội dung báo cáo của UBND tỉnh, đề nghị Bộ có văn bản phối hợp để UBND tỉnh có cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền.