Văn hóa quà Tết đang bị lợi dụng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ
TP - Sáng 31/1, tại cuộc họp Chính phủ tháng 1/2019, bên cạnh yêu cầu“sau Tết bắt tay ngay vào việc, không được chậm trễ, chểnh mảng, kể cả cơ quan hành chính, dịch vụ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu việc nghỉ Tết sang năm (2020), trong đó có mô hình Singapore.


Chiều 31/1, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là các bộ ngành, địa phương cần tập trung lo Tết cho nhân dân chứ không phải lo cho cán bộ cấp trên; yêu cầu các doanh nghiệp, địa phương không ra Hà Nội đi biếu xén trong dịp Tết Nguyên đán.

Xoay quanh nội dung này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, văn hoá chúc Tết theo đúng phong tục truyền thống của người Việt Nam vốn rất tốt đẹp. Tuy nhiên,vấn đề này đã bị “biến tướng, lợi dụng”.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, ở các nước phương Tây hay châu Á như Nhật Bản cũng có văn hóa quà tặng cho nhau vào mỗi dịp lễ hội. Món quà họ tặng nhau có thể chỉ là những món quà nhỏ như cái quạt giấy, con búp bê... điều này là hết sức bình thường.

Chính vì văn hóa quà tặng ở Việt Nam bị biến tướng nên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã cấm chúc Tết theo hướng lợi dụng để làm việc này, việc khác.

“Văn phòng Chính phủ quán triệt tinh thần đó. Những ngày này Thủ tướng không tiếp khách doanh nghiệp, không tiếp những người không đến để làm việc mà chỉ chúc Tết”, ông Dũng cho hay.

Lưu ý một số vấn đề trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Thủ tướng nhấn mạnh, “nhiệm vụ của chúng ta, các cấp, các ngành, các địa phương hiện nay là tập trung lo Tết cho dân để bảo đảm Tết an toàn, vui tươi, tiết kiệm”. Phải bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa Tết, đừng để Tết thiếu hàng cho người dân. Bên cạnh đó, tập trung quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là chống vận chuyển, đốt pháo trái phép. Một yêu cầu rất lớn hiện nay là mở một chiến dịch xử lý các loại tội phạm để bảo đảm an toàn cho người dân. Đặc biệt là đổi mới cách làm, biện pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông.

Thủ tướng cũng nhắc nhở, bên cạnh vui Tết và lo Tết cho người dân, cần lo sản xuất, đời sống kinh doanh, dịch vụ để đẩy mạnh phát triển, để ngay sau Tết bắt tay ngay vào việc, không được chậm trễ, chểnh mảng, kể cả cơ quan hành chính, dịch vụ. Hạn chế những mặt tiêu cực của lễ hội trong dịp Tết và sau Tết. Thủ tướng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu việc nghỉ Tết sang năm (2020), trong đó có mô hình Singapore.

Nói thêm về việc này, tại cuộc họp báo cùng ngày, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, đó là gợi ý của Thủ tướng, còn chưa có phương án. Tuy nhiên đây là gợi ý của Thủ tướng để các cơ quan tham mưu nghiên cứu và đề xuất.

Mua 4 tỷ USD dự trữ ngoại hối

Theo Thủ tướng, tháng đầu tiên của năm 2019, kinh tế tiếp tục xu hướng tích cực, đà tăng trưởng tốt. Trong tháng 1, kinh tế vĩ mô vẫn được giữ ổn định. CPI tháng 1 chỉ tăng 0,1%. Tỷ giá, lãi suất ổn định. “Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng có báo cáo tôi là trong tháng qua, chúng ta mua trên 4 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Giá trị đồng Việt Nam trong bối cảnh quốc tế như vậy là đáng mừng”, Thủ tướng nói và cho biết, ông được Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo về việc chế độ hỗ trợ đã được đưa đến tận tay, tận nhà các đối tượng chính sách, nhất là ở các vùng khó khăn.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành tuyệt đối không được chủ quan vì độ mở của nền kinh tế Việt Nam quá lớn. “Từng đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành phải đặc biệt quan tâm sâu sắc về thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra cho bộ, ngành mình và thường xuyên giao ban, kiểm điểm hằng tháng tình hình thực hiện từng chỉ tiêu để có đối sách phù hợp, kịp thời với các biến động trong nước và quốc tế. Việc chủ quan, sơ suất trong điều hành sẽ dẫn đến hậu quả lớn”, Thủ tướng nói.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất linh hoạt, hiệu quả, hài hòa với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác. Bộ Tài chính siết chặt hơn nữa kỷ luật tài chính ngân sách Nhà nước, thanh tra, kiểm tra công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách. Trường hợp đã bố trí trong dự toán mà phát hiện sai phạm, lãng phí thì điều chuyển sang mục đích khác. Tập trung chống thất thu, chuyển giá, nợ đọng thuế.

Sự vô cảm đang bóp chết doanh nghiệp

Chiều 31/1, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, sau khi Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề cập và phóng viên cũng đặt câu hỏi liên quan việc tồn đọng hơn 24 nghìn container phế liệu nhập khẩu ở các cảng biển trên cả nước khiến nhiều doanh nghiệp phải rơi nước mắt vì thiếu nguyên liệu sản xuất.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, nhiều doanh nhân đã khóc với Thủ tướng khi container phế liệu bị tồn đọng ở các cảng biển. Thủ tướng có chỉ đạo quyết liệt và kịp thời về vấn đề này. 
“Nếu không xử lý kịp thời thì cả Tết này không ai ăn Tết được. Nếu chậm thông quan các container ngày nào, ngoài tiền phạt doanh nghiệp còn không có nguyên liệu, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của công nhân, ảnh hưởng các hãng tầu. Trong khi đó chúng ta cũng rất cần nguyên liệu đó để các nhà máy sản xuất”, ông Dũng chia sẻ. 

Cá nhân ông cũng cảm thấy rất tiếc khi không kiểm soát kỹ việc ban hành các văn bản, gây ra các rào cản, các thủ tục và vô tình bóp chết doanh nghiệp khi một lô hàng container phế liệu phải 4 cơ quan kiểm tra. 

Trao đổi về việc này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, những vướng mắc liên quan đến hàng vạn container phế liệu tồn đọng ở các cảng biển liên quan trực tiếp đến Thông tư 08 và 09. 

Ông khẳng định, hai thông tư này để bảo vệ môi trường cho đất nước. Tuy nhiên, quy định này vô tình sinh ra chồng chéo, khó thực hiện cho các địa phương. “Đây cũng là cách thức thực hiện từ các đơn vị tài nguyên môi trường địa phương chưa thực sự sâu sát, chưa thực sự sáng tạo để giảm thời gian thông quan”, ông Thành nói đồng thời cho biết thêm, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt trong việc giải quyết những tồn tại trên. Ông cũng khẳng định, trong thời gian tới sẽ sửa đổi các quy định kiểm tra về chất lượng phế liệu nhập khẩu theo hướng tăng cường trách nhiệm hậu kiểm của các cơ quan tài nguyên môi trường địa phương thay cho việc kiểm tra trước thông quan. 

“Văn phòng Chính phủ quán triệt tinh thần đó. Những ngày này Thủ tướng không tiếp khách doanh nghiệp, không tiếp những người không đến để làm việc mà chỉ chúc Tết”. 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ  Mai Tiến Dũng

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.