Mỗi năm mất 8 ha đất chôn rác
Đầu tháng 7/2019, người dân sống xung quanh bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) lần thứ 5 căng lều bạt chặn xe rác để tạo áp lực đòi hỏi quyền lợi trong chính sách di dời. Mỗi lần như vậy, trung tâm Hà Nội và cả những khu vực ngoại thành lại ngập trong rác thải.
Ngay cả khi xe rác đã được vào bãi thì câu hỏi về năng lực xử lý rác thải của Thủ đô lại được đặt ra. Ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, mỗi năm Hà Nội mất khoảng 8 ha đất để chôn lấp rác. Bãi rác Nam Sơn tiếp nhận 5.000 tấn/ngày, bãi Xuân Sơn tiếp nhận 1.200 tấn/ngày.
Để tiếp tục tiếp nhận, đơn vị này đề xuất UBND thành phố Hà Nội nâng công suất 2 bãi rác này. Cụ thể theo Urenco, cần đưa công nghệ xử lý rác xanh của Đài Loan vào chôn lấp rác ở đây. Được giới thiệu là “công nghệ xanh Đài Loan” nhưng thực tế việc chôn lấp rác vẫn dựa trên phương án chôn lấp nhưng giảm mùi hôi vì sử dụng rải 5 lớp vải chống thấm, cát thay vì 1 lớp như hiện nay…
Trao đổi với báo chí, PGS-TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách TNMT (Bộ TN&MT) cho rằng, hiện nay có tới 70% khối lượng rác được chôn lấp trực tiếp, 80% bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Việc này gây ra lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường cho người dân sống quanh bãi rác.
Ở Hà Nội, đang có 4 dự án xử lý rác thải đều triển khai rất chậm chạp. Cụ thể, dự án xây dựng nhà máy xử lý rác (1.500 tấn/ngày-đêm), có phát điện tại Khu Xử lý chất thải Đồng Ké (Chương Mỹ), thành phố đang thực hiện lựa chọn nhà đầu tư tuy nhiên cũng vấp phải sự phản đối của người dân trong vùng dự án.
Nhà máy Điện rác Sóc Sơn (công suất 4.000 tấn rác/ngày-đêm, thu hồi năng lượng để phát điện với công suất 75MW) dự kiến khởi công trong tháng 5/2019 nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. 2 dự án tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (dự án xử lý rác thải thu hồi điện, công suất 1.000 tấn rác/ngày-đêm, phát điện 15,5MW; dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng, công suất 500 tấn rác/ngày-đêm, phát điện 12MW), thực hiện rất chậm.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho rằng, ngoài nguyên nhân chủ đầu tư các dự án xử lý rác nói trên chưa lập xong thiết kế kỹ thuật, còn vướng các quy định, thủ tục đầu tư cần sự phê duyệt của các bộ, ngành, trung ương. Như nhà máy đốt rác Nam Sơn là công trình cấp đặc biệt nên theo Nghị định 59/2015/NĐ-CP thì Hà Nội không có thẩm quyền, do đó phải trình Bộ Xây dựng quyết định. Trong khi đó, Bộ Xây dựng vẫn chưa có phản hồi khiến dự án bị chậm.
Không thể phân loại từ nguồn
Ngay cả khi những nhà máy đốt rác thành điện được đi vào hoạt động, vẫn còn đó nhiều nỗi lo. Nhà máy xử lý rác làm phân tại Cầu Diễn do Urenco quản lý vận hành là một minh chứng cụ thể. Nhà máy có vốn đầu tư hơn 61 tỷ đồng từ năm 2001 (một nửa vốn đầu tư vay ODA của Tây Ban Nha) từng bị đánh giá là thua lỗ, kém hiệu quả. Do rác vô cơ và hữu cơ không được phân loại từ đầu nguồn, dẫn đến việc nguyên liệu rác vào nhà máy không đạt yêu cầu. Nhà máy liên tiếp thua lỗ dẫn đến dừng hoạt động, xí nghiệp quản lý vận hành chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý bể phốt.
Năm 2016, nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện (lò đốt NEDO) tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn - Hà Nội) chính thức đi vào hoạt động. Dự án có tổng mức đầu tư trên 645 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ xử lý được 75 tấn/ngày chất thải công nghiệp và nguy hại, đồng thời tận dụng nhiệt phát điện với công suất 1930kW. Thế nhưng đến thời điểm này, nhà máy vẫn chưa đốt được tấn rác nào vì chưa tìm được nguồn rác nguyên liệu.
Ông Nguyễn Ngọc Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhận định, chôn lấp hợp vệ sinh chỉ phù hợp với những nơi có quỹ đất rộng lớn. Đối với Hà Nội, đây không phải là giải pháp lâu dài vì mật độ dân cư rất dày, quỹ đất ít. Theo ông Đông, để xử lý rác sinh hoạt lâu dài phải phân loại được rác ngay tại nguồn. Sau đó, có thể áp dụng công nghệ xử lý rác thân thiện hơn là công nghệ khí hóa, kết hợp giữa việc phân loại, tái chế và phát điện.
Theo các chuyên gia môi trường, những giải pháp của Hà Nội, trong đó có việc xây dựng nhà máy đốt rác cũng chỉ là các biện pháp kéo dài thời gian cho các nhà máy rác thêm vài năm. Ở các nước phát triển, việc đốt rác phát điện rất hiệu quả do họ phân loại rác được từ đầu nguồn. Việc phân loại rác từ nguồn là giải pháp căn cơ để giải quyết “khủng hoảng rác” ở các đô thị lớn hiện nay.
Nghị định 155/2016/NĐ-CP đã có quy định về việc xử lý hành vi xả rác không đúng nơi quy định. Đây là cơ sở để tiếp tục có các biện pháp xử lý trong việc phân loại rác tại nguồn. Làm tốt công tác phân loại rác cũng tạo ra nguồn nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy xử lý rác, từ đó đưa công tác xử lý rác đạt hiệu quả cao.
Từ năm 2006, Hà Nội đã thực hiện thí điểm dự án phân loại rác tại nguồn (gọi tắt là Dự án 3R) do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Với mục tiêu nhằm làm giảm, tái chế và tái sử dụng rác thải, dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Sau thời gian thí điểm, lượng rác đưa đi chôn lấp giảm 30%, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xử lý rác, kéo dài tuổi thọ các bãi chôn lấp… Tuy nhiên, chỉ trong 3 năm, dự án đã phải dừng lại do JICA dừng tài trợ chương trình.