Vai trò kỳ lạ của đại gia Vũ 'Nhôm' trong siêu dự án lấn biển Đà Nẵng

Dự án lấn biển do công ty Hàn Quốc làm chủ đầu tư nhưng đến khi bắt tay với Phan Văn Anh Vũ mới hợp thức hóa được quyền sử dụng đất.

Hồi tháng 9/2017, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã có Công văn 817 điều tra 9 dự án đầu tư và 31 nhà, đất công sản thuộc sở hữu nhà nước tại Đà Nẵng từ năm 2006 đến nay.

Trong danh sách những dự án bất động sản có vị trí từ "vàng" đến "kim cương" này, có một siêu dự án đình đám từng là niềm tự hào về giấc mơ đô thị lấn biển của người dân Đà Nẵng được cho là có liên quan mật thiết đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”).

Đó là khu đô thị quốc tế Đa Phước - còn có nhiều tên gọi khác nhau gồm: D-City, Vầng trăng khuyết và hiện nay là Sunrise Bay. Trong một thập niên qua, lịch sử hình thành và phát triển của siêu đô thị này có không ít tình tiết ly kỳ.

Ban đầu, tức vào năm 2007-2008, đây chỉ thuần túy là dự án FDI do nhà đầu tư Hàn Quốc đăng ký đầu tư. Thế nhưng kể từ 2011 trở đi, số phận của dự án gắn liền với không chỉ nhà đầu tư Hàn Quốc mà còn có Công ty cổ phần Xây dựng 79 và Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79, các doanh nghiệp đều do Vũ “Nhôm” nắm quyền hoặc chi phối.

Cuối năm 2007 đến tháng 2/2008, lần đầu tiên người Đà Nẵng và người dân cả nước biết đến Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước tại Đà Nẵng do Công ty TNHH Daewon Cantavil làm chủ đầu tư. Tổng số vốn đầu tư được công bố 250 triệu USD, trong đó chi phí cho thiết bị và nguyên vật liệu là 50 triệu USD.

Dự án có diện tích 210 ha, nằm phía tây cầu Thuận Phước thuộc quận Hải Châu, sẽ trở thành khu đô thị lấn biển đầu tiên tại thành phố phát triển bậc nhất các tỉnh miền Trung. Khi đó, chủ đầu tư thông báo 180 ha đất ven vịnh Đà Nẵng đang được san lấp để phục vụ cho dự án này.

Theo kế hoạch, việc xây dựng hạ tầng sẽ hoàn tất trong 15 tháng, các hạng mục chính sẽ được đưa vào sử dụng từ 24 đến 36 tháng và việc đầu tư xây dựng sẽ lần lượt hoàn tất trong vòng 10 năm.

Khu đô thị quốc tế này là dự án phức hợp gồm nhiều hạng mục liên kết với nhau, như các khu resort, sân golf 18 lỗ rộng 80 ha, khách sạn cao tầng, căn hộ cao cấp (40 ha) có đài quan sát dọc theo vịnh để ngắm cảnh Đà Nẵng từ trên cao, chung cư 33 tầng với 8.500 căn hộ, trường học quốc tế và câu lạc bộ biển. Những khu nhà phố, biệt thự, cao ốc văn phòng 60 tầng, nhà hát và khu trung tâm hội nghị quốc tế sẽ được đưa lên trên mặt biển.

Dự án còn có những tuyến đường đi bộ dọc theo biển và đại lộ nối khu trung tâm văn hóa với các công trình bên trong đất liền, quảng trường, công viên cây xanh, kênh dẫn nước... Thời điểm này, chưa xuất hiện vai trò của Vũ “Nhôm” cũng như các công ty của đại gia này trong siêu dự án lấn biển.

Song từ giai đoạn 2010-2011 trở đi, dự án khu đô thị lấn biển Đà Nẵng bắt đầu bước sang trang mới. Đầu tháng 9/2011, lãnh đạo Đà Nẵng đã ký Giấy chứng nhận đầu tư liên doanh giữa Công ty TNHH Daewon Cantavil với Công ty Xây dựng 79 (do Phan Văn Anh Vũ giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị và là người đại diện pháp luật) để hình thành Công ty TNHH Phát triển nhà Đa Phước. 

Theo đó, Đa Phước làm chủ đầu tư trên diện tích 29 ha (mặt nước), diện tích (mặt nước) còn lại của dự án thuộc Công ty TNHH Daewon Cantavil (vốn 100% nước ngoài) làm chủ đầu tư.

Từ đây Vầng trăng khuyết có 2 dự án độc lập nhưng vẫn nằm trong quy hoạch chung và chi tiết của Khu Đô thị Quốc tế và Sân Golf Đa Phước. Mục tiêu của dự án là xây dựng vườn ươm công nghệ thông tin quốc tế, phát triển khu trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ cao cấp, khu biệt thự, trường quốc tế, trung tâm thể thao, các dịch vụ vui chơi, giải trí phục vụ du khách trong và ngoài nước; xây dựng sân golf 27 lỗ.

Doanh nghiệp của Vũ “Nhôm” tức Công ty Cổ phần Xây dựng 79 góp 49% bằng giá trị quyền sử dụng đất (mặt nước) của 29ha, tương đương 87 tỷ đồng (đã nộp vào ngân sách nhà nước), Công ty TNHH Daewon Cantavil góp 90 tỷ đồng chiếm 51% vốn điều lệ.

Công ty Daewon Cantavil phải bỏ ra toàn bộ chi phí cho việc xây kè, san lấp và lấn biển cho toàn bộ dự án (Theo báo cáo của Công ty Daewon, tổng chi phí dành cho công việc xây kè, san lấp và lấn biển của giai đoạn một (112ha) khoảng 36,6 triệu USD, trong đó chi phí đã bỏ ra cho khu đất 29ha là 7,5 triệu USD).

Song, tình tiết kỳ lạ là chính quyền Đà Nẵng giao cho Công ty Daewon Cantavil đất (mặt nước) rồi sau đó thu lại 29 ha để giao cho Công ty CP Xây dựng 79. Kế đến, công ty của đại gia Vũ “Nhôm” tiến hành nộp ngân sách 87 tỷ đồng để có quyền sử dụng đất góp vốn với Daewon Cantavil. Sau nhiều bước đi vòng vo này mới hình thành liên doanh Công ty TNHH Phát triển nhà Đa Phước.

Việc ra đời liên doanh giữa công ty Hàn - Việt với sự tham gia của đại gia am hiểu và có tầm ảnh hưởng đến thị trường bất động sản Đà Nẵng như Vũ “Nhôm” được kỳ vọng có thể giúp dự án đẩy nhanh tiến độ, kịp lời hẹn hoàn thành trong 10 năm. Thế nhưng đó chưa phải là chặng cuối để Vầng trăng khuyết về đích. Thậm chí bước ngoặt tiếp theo còn phá vỡ những thiết kế kỳ công ban đầu của dự án này.

Giữa quý III/2016, thị trường bất động sản phía Nam xôn xao khi xuất hiện thông tin siêu dự án lấn biển Đà Nẵng về tay một đại gia bất động sản tại TP HCM là Novaland bằng việc mua lại cổ phần của Daewon để phát triển dự án.

Một lãnh đạo cấp cao của Công ty Novaland xác nhận với VnExpress: "Chúng tôi và Công ty Bắc Nam 79, một đơn vị có uy tín tại Đà Nẵng, sẽ cùng phát triển dự án khu đô thị lấn biển hơn 180 ha. Hiện dự án được tái khởi động, tên mới dự kiến đặt là Khu đô thị The Sunrise Bay".

Công ty TNHH The Sunrise Bay được thành lập với sự vốn góp của 2 pháp nhân liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ là Công ty cổ phần Xây dựng 79 và Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79. Vũ “Nhôm” đóng vai trò là Chủ tịch Công ty Sunrise Bay.

Vầng trăng khuyết từng được mệnh danh là dự án FDI lớn nhất được đầu tư vào Đà Nẵng đã chính thức được "Việt hóa". Vai trò của đại gia Vũ “Nhôm” lúc này vừa là đồng chủ đầu tư với Novaland vừa được đối tác phía Nam xem như thổ địa đàn anh, am hiểu địa bàn hỗ trợ cho Novaland mới chân ướt chân ráo đặt chân ra miền Trung.

Dự án đã được điều chỉnh lại, giảm quy mô xuống còn 182 ha, ưu tiên nhà thấp tầng: biệt thự, nhà phố và chức năng nghỉ dưỡng chứ không tập trung vào nhà ở cao tầng. Thời gian xây dựng dự kiến từ nay đến năm 2019. 

Nhưng rồi thêm một lần nữa, siêu đô thị lấn biển Đà Nẵng lại gặp hạn. Tháng 3/2017, chính quyền Đà Nẵng đã dừng thi công khu căn hộ, biệt thự ven biển trong dự án này do thi công khi chưa có đánh giá tác động môi trường. Khu đô thị này sau đó được xây dựng trở lại nhưng tiếp tục dính đến hàng loạt sai phạm về mục đích sử dụng đất, khuất tất trong thủ tục đầu tư.

Từ tháng 4 đến tháng 6/2017, các công ty do Vũ “Nhôm” làm lãnh đạo gồm: Công ty cổ phần Xây dựng 79 và Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 đã rút 100% vốn tại dự án Sunrise Bay một cách bí hiểm. Câu hỏi được đặt ra là việc Vũ “Nhôm” giữ vai trò quan trọng nhưng không kém phần kỳ lạ trong dự án Sunrise Bay, một khi ông bị truy nã, số phận của dự án sẽ về đâu?

Ông Phan Văn Anh Vũ đã bị Công an Đà Nẵng truy nã từ ngày 22/12. Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt ông Vũ được tống đạt tại nhà ông này vào sáng cùng ngày. Trong 24 giờ trước, tức tối 21/12, nhà riêng của ông Vũ tại đường Trần Quốc Toản (Đà Nẵng) đã bị công an khám xét trong nhiều giờ nhưng ông không có mặt tại nơi cư trú.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG