V-League không biết tự yêu

Việc thay đổi lịch thi đấu trận bán kết lượt về Cúp QG-Sư tử trắng 2018 bỗng nóng bất thường và thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam. Ảnh: VSI.
Việc thay đổi lịch thi đấu trận bán kết lượt về Cúp QG-Sư tử trắng 2018 bỗng nóng bất thường và thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam. Ảnh: VSI.
TP - Câu chuyện tranh cãi giữa Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và đội bóng Bình Dương xung quanh việc sắp xếp lịch thi đấu trận bán kết cúp Quốc gia-cúp Sư tử trắng 2018 bỗng nóng lên một cách bất thường. Dù vì lý do gì, câu chuyện một lần nữa lại cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam.

Có thể tóm tắt câu chuyện như sau. Theo lịch ban đầu của VPF, hai cặp Bán kết lượt về cúp Quốc gia 2018 giữa Sông Lam Nghệ An (SLNA)-Thanh Hoá và Hà Nội-Bình Dương sẽ diễn ra ngày 5/9. Tuy nhiên, do thành công bất ngờ của Olympic Việt Nam tại Asiad 2018 (vào tới Bán kết sau đó tranh HCĐ ngày 1/9), VPF đã quyết định lùi ngày diễn ra trận đấu giữa đội Hà Nội và Bình Dương để đảm bảo chất lượng chuyên môn.

Lý do là Hà Nội có tới 7 cầu thủ tham dự Asiad 2018, gồm: Văn Quyết, Hùng Dũng, Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Hậu, Quang Hải và Đức Huy. Trong số này Hùng Dũng bị chấn thương phải nghỉ hơn 1 tháng, số còn lại đều phải “cày ải” liên tục ở Asiad 2018. Bình Dương chỉ có duy nhất tiền đạo Anh Đức. Trận SLNA-Thanh Hoá vẫn giữ nguyên lịch do Thanh Hoá chỉ có thủ môn Bùi Tiến Dũng tham dự Asiad 2018, nhưng chỉ đóng vai dự bị thứ 3 tại CLB. SLNA có 2 cầu thủ Phạm Xuân Mạnh và Phan Văn Đức, và quan trọng hơn, cả SLNA và Thanh Hoá đều đồng ý không đổi lịch.

Tranh cãi nổ ra khi Bình Dương cho rằng VPF đổi lịch thường hướng thiên vị cho đội bóng của ông bầu Đỗ Quang Hiển. Đội bóng đất thủ vì vậy kiên quyết phản đối phương án dời trận Bán kết cúp Quốc gia với Hà Nội sang ngày 3/10 như phương án VPF đưa ra. Thay vào đấy, đội bóng Bình Dương đưa ra một loạt phương án khác thay thế. Một số thông tin dẫn lời đại diện Bình Dương còn ám chỉ việc họ sẵn sàng xin thua hoặc cao hơn là bỏ giải!

Trong thời gian vừa qua, Bình Dương và VPF đã làm việc nhiều lần với nhau nhưng vẫn không đạt được sự nhất trí. Tranh cãi bỗng nóng lên một cách bất thường những ngày vừa qua, khiến người ngoài cuộc ai cũng phải ngạc nhiên. Tạm chưa bàn tới nguyên nhân phía sau tranh cãi giữa các bên, nhưng vụ việc này một lần nữa cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam ở nhiều khía cạnh.

Đây không phải lần đầu tiên Bình Dương, ông lớn một thời của bóng đá Việt Nam, doạ bỏ giải. Đây chắc chắn không phải cách hành xử chuyên nghiệp, của những người lớn với nhau. Suy cho cùng, V-League hay các giải chuyên nghiệp quốc gia là sân chơi chung của các CLB. Để nâng cao chất lượng giải đấu, thu hút người hâm mộ, tài trợ… chắc chắn một mình VPF hay cả VFF là chưa đủ. Đấy phải là sự cộng hưởng từ những đóng góp nhiều phía. Liệu có thể đòi hỏi người hâm mộ, các nhà tài trợ tôn trọng và yêu mến giải đấu của mình, khi các thành viên của V-League, bản thân lại chưa tự biết trân trọng, giữ gìn? Bình Dương có thể đúng hoặc sai, nhưng cách đấu tranh với Ban tổ chức (BTC) giải rất cần điều chỉnh, cho xứng đáng với tên tuổi một đội bóng từng rất mạnh.

Ở chiều ngược lại, VPF cũng như VFF cũng không thể bỏ qua nguyện vọng của các CLB. Trong trường hợp nhận thấy yêu cầu của Bình Dương chính đáng, BTC giải cần thiết xem xét điều chỉnh lịch thi đấu thật hợp tình, hợp lý, hài hoà quyền lợi của cả hai CLB.

Một vấn đề có lẽ quan trọng hơn là chuyện kết quả 1 trận đấu mà VFF và VPF cần xem xét, là vì sao mỗi khi có vụ việc liên quan tới các đội bóng trong tầm ảnh hưởng của bầu Hiển, mọi thứ lại trở nên nhạy cảm đến vậy. Một người luôn khẳng định yêu bóng đá Việt Nam hết mình như bầu Hiển, chắc chắn không muốn uy tín bị ảnh hưởng vì những vụ việc tiêu cực giữa các đội bóng.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.