Theo đó, Tập đoàn LS Holdings (Hàn Quốc) đã trở thành đơn vị tài trợ chính thức cho cả hai giải đấu nói trên. Đây là một trong những tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc trong lĩnh vực điện, điện tử, năng lượng và vật liệu. Tại Việt Nam, các thương hiệu của LS được phân phối bởi 2 cái tên rất quen thuộc là công ty Thái Sơn Nam và Thái Sơn Bắc, gắn với tên tuổi ông bầu Trần Anh Tú.
LSIS trên thực tế không phải cái tên xa lạ với làng bóng đá Việt Nam khi tham gia tài trợ nhiều giải đấu khác nhau trong hệ thống bóng đá nội. Mùa giải 2019, LS là nhà tài trợ chính cho giải hạng Nhất quốc gia. Tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn LS, ông Ahn Won Hyung cho biết, doanh thu năm 2019 của LS đạt 800 triệu USD, và mục tiêu hướng tới là đạt 1 tỷ USD trong năm 2020. “Việt Nam là thị trường quan trọng nên thông qua tài trợ cho các giải bóng đá, chúng tôi muốn phát triển hình ảnh của mình. Bên cạnh đó, bóng đá Việt Nam thời gian qua đạt được những thành tựu tốt cùng với HLV Park Hang Seo. Chúng tôi cho rằng để duy trì và phát triển thì cách trước hết là đầu tư cho các giải chuyên nghiệp, trong đó có V-League”-ông Ahn Won Hyung cho biết.
Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VPF Trần Anh Tú cho biết, hợp đồng giữa đôi bên có điều khoản không được tiết lộ giá trị cụ thể. Tuy nhiên theo tìm hiểu của Tiền Phong, V-League nhận tài trợ lớn hơn so với mùa giải trước. Với việc V-League gắn tên cùng LS, đây là năm thứ 3 liên tiếp giải thay nhà tài trợ chính. Hai đơn vị trước đó là Nutifood và Wake Up 247, trong đó nhãn hàng Wake Up 247 theo thoả thuận ban đầu có thể kéo dài tới 5 năm.
Trả lời Tiền Phong lý do trong 3 năm, V-League 3 lần thay nhà tài trợ, ông Trần Anh Tú cho biết, trên thực tế VPF và Wake Up 247 vẫn có mong muốn tiếp tục hợp tác với nhau. “Trước khi ký hợp đồng với nhà tài trợ mới, chúng tôi đã có thời gian khá dài đàm phán với đơn vị cũ. Nhưng do không thống nhất dược một số điều khoản, đôi bên quyết định dừng hợp tác nhưng vẫn để ngỏ cơ hội trong tương lai. Sau đó phía đối tác Hàn Quốc đã nghị và chúng đôi bên đạt được thoả thuận”-ông Trần Anh Tú cho biết.
Doanh thu của VPF năm vừa qua chỉ tăng hơn 9,8%. Ở các giải đấu lớn, giá trị bản quyền truyền hình đóng một tỷ trọng rất lớn trong doanh thu. Tuy nhiên với V-League, theo tìm hiểu dù VPF đặt mục tiêu nâng cao con số này, số tiền thu về là khá nhỏ. Ông Trần Anh Tú hôm qua thừa nhận điều này và cho biết, trong tương lai VPF rất muốn nâng cao giá trị bản quyền giải đấu.
“Thú thật khi sang Nhật Bản và được xem giá trị bản quyền truyền hình của họ, chúng tôi rất mê mẩn. Đó là con số quá ấn tượng, trong khi với V-League khoản này còn quá nhỏ để có thể nhắc tới. Chúng tôi cũng mong muốn trong tương lai khi giá trị bản quyền truyền hình tăng lên thì có thể đưa ra để công bố. Tuy nhiên để làm việc đó thì một mình VPF không thể làm được. Chúng ta cần sự chung tay của các CLB. Để bán được bản quyền truyền hình, giải đấu cần có chất lượng tốt hơn, hình ảnh đẹp hơn”-ông Trần Anh Tú cho biết.
Do dịch cúm virus Corona, VPF vừa qua đã phải đưa ra 2 phương án lùi thời gian khai mạc các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, bao gồm cả V-League, giải hạng Nhất và cúp Quốc gia. Trong đó, V-League dự kiến khai mạc ngày 29/2 hoặc 7/3. Ông Trần Anh Tú hôm qua cho biết, tuỳ thuộc diễn biến dịch cúm virus Corona, không thể chắc chắn ngày V-League có thể trở lại.