Cụ thể, giải dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 5/6 đến 25/10, gồm 134 trận đấu với 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có mục đích phân nhóm các CLB, gồm 13 vòng (thực tế 11 vì đã đá 2 vòng) với 91 trận đấu, dự kiến diễn ra từ ngày 5/6 đến 2/8.
Dựa vào kết quả, các đội bóng sẽ xếp thứ hạng chia làm 2 nhóm để thi đấu giai đoạn 2. Nhóm A gồm các đội đứng thứ 1-8, nhóm B gồm các đội từ thứ hạng 9-14. Ở giai đoạn 2, nhóm A sẽ thi đấu 7 vòng xác định đội Vô địch, Á quân và hạng Ba. Nhóm B thi đấu 5 lượt trận, xác định 1 suất xuống hạng.
Trong giai đoạn 1, 14 đội bóng sẽ thi đấu theo lịch đã ban hành từ đầu mùa giải, trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Sang giai đoạn 2, khi 8 đội đầu bảng và 6 đội cuối bảng chia làm 2 nhóm, lúc này cách xếp trận sân nhà, sân khách mới sẽ được áp dụng. Cụ thể, 4 đội đứng đầu nhóm A (nhóm đua vô địch) và 3 đội đứng đầu nhóm B (nhóm trụ hạng) sẽ được ưu tiên đá lần lượt 4/7 và 3/5 trận sân nhà. Các đội xếp vị trí thấp hơn ở giai đoạn 1 sẽ đá ít trận sân nhà hơn.
Theo Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh, cách thức này ngoài mục đích phân lịch thi đấu còn nhằm giảm thiểu tối đa việc các đội bóng hoàn thành mục tiêu sớm và buông lỏng các trận đấu cuối giai đoạn 1. Ngoài ra, BTC cũng sẽ có phần thưởng riêng cho các đội có thứ hạng cao ở giai đoạn 1 như một cách khuyến khích nỗ lực thi đấu. Lý do bởi trên thực tế, có khả năng 1 đội bóng ở giai đoạn 1 khi đã đủ điểm lọt nhóm 8 đội đầu bảng sẽ không đá hết sức các trận còn lại để giữ quân cho giai đoạn quyết định. “Dịch COVID-19 là một tình huống bất ngờ xảy ra và để thích ứng, chúng ta phải có thể thức đặc biệt. Không có phương án nào hoàn hảo nhưng BTC đã trao đổi, bàn bạc nhiều lần để duy trì sức cạnh tranh, hấp dẫn của giải đấu”-ông Lê Hoài Anh cho biết.
BCH VFF cũng thống nhất để UBND các tỉnh đăng cai trận đấu bóng đá quyết định tổ chức trận đấu có khán giả hay không. Quy định mới của FIFA về việc được thay 5 cầu thủ trong 1 trận đấu cũng được VPF áp dụng trong thời gian tới.
Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VPF, ông Trần Anh Tú cho biết: “Không chỉ Việt Nam, bóng đá các nước trên thế giới đều phải đối diện với nhiều vấn đề do dịch COVID-19 gây ra. Chúng ta thậm chí may mắn khi bóng đá có thể lên phương án trở lại được do dịch được kiểm soát tốt. Thời gian qua VPF đã phải nghiên cứu nhiều phương án khác nhau để đưa ra BCH VFF quyết định, lựa chọn phương án tối ưu. Mặc dù vậy trong thực tế vẫn có thể phát sinh những vấn đề cần xử lý, khi đó BTC giải cũng như các CLB sẽ phải linh hoạt để ứng phó, đảm bảo giải diễn ra có chất lượng. Nếu V-League không được giải quyết tốt, đội tuyển Việt Nam có thể sẽ bị ảnh hưởng”.
Đại diện một số đội bóng hôm qua cho rằng, thể thức mới không hoàn toàn giải quyết được hết các vấn đề cần thiết nhưng có thể khiến V-League trở nên mới lạ, sôi động hơn.
Tại cuộc họp BCH hôm qua, VFF cũng thống nhất bầu bổ sung vị trí Phó chủ tịch tài chính tại đại hội thường niên diễn ra tháng 8 tới. Theo dự kiến ban đầu, công việc này sẽ được thực hiện vào tháng 12. Tuy nhiên theo TTK Lê Hoài Anh, do dịch COVID-19 nên có nhiều giải đấu bị dồn lại vào cuối năm. Tháng 8 trong khi đó là thời điểm thuận lợi do tận dụng quãng nghỉ V-League. Do dịch COVID-19, dự báo doanh thu của VFF sẽ giảm 6% trong năm nay.