Úp, mở, gợi trí tò mò và “biết rồi khổ lắm…”

Úp, mở, gợi trí tò mò và “biết rồi khổ lắm…”
TP - Nói tới sức khỏe sinh sản, nhiều bạn trẻ bây giờ gạt phắt: “Biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Nhưng thực chất, cái “biết rồi” ấy được đến bao nhiêu?
Úp, mở, gợi trí tò mò và “biết rồi khổ lắm…” ảnh 1

N.M.N học sinh lớp 12 trường Q.T vừa phải vào viện phụ sản cấp cứu vì dùng thuốc tránh thai khẩn cấp quá liều.

Theo các bác sĩ, những ca như N không hiếm. Bệnh nhân thường nhập viện trong tình trạng nhức đầu, choáng váng, mệt mỏi, rong kinh, rong huyết kéo dài. Trong số đó, đa số còn khá trẻ.

Thực tế, không ít học sinh THPT nhai thuốc ngừa thai hồn nhiên như ăn kẹo, vì các bạn không biết và không ý thức được hậu quả của nó. Mấy năm trước giới trẻ được nhắc nhở Đừng chết vì thiếu hiểu biết.

Bây giờ, người ta bảo giới trẻ biết quá nhiều và quá dạn dĩ với các vấn đề tình dục. Người trẻ hiện nay được cảnh báo rằng Đừng chết vì...quá hiểu biết. Song liệu có thật bạn trẻ đã quá hiểu biết?

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ  tâm lý Vũ Minh Phượng (chuyên gia chương trình Cửa sổ tình yêu) cho hay: “Nhiều bạn trẻ lầm tưởng rằng mình biết, nhưng lại biết không đến nơi đến chốn, biết theo kiểu nửa vời nên đến khi áp dụng vào thực tế rất nguy hiểm.

Một số chuyên gia tâm lý cho rằng, trước đây, thông tin về giới tính gần như “vùng trắng”. Đến nay, tuy có phổ cập nhưng thông tin cứ “mờ mờ, ảo ảo, úp úp, mở mở”, diễn đạt mơ hồ nên càng gợi tò mò cho người trẻ, thôi thúc giới trẻ khám phá.

Tuổi trẻ dễ choáng ngợp trước cái mới, dễ bị mê hoặc, chưa đủ tỉnh táo để kiểm tra độ chính xác của những gì được đọc, được xem. Nhiều kiến thức bạn trẻ tiếp nhận sai, hiểu sai nhưng vẫn nghĩ mình hiểu đúng.

Truyền thông về sức khỏe sinh sản đa phần cũng chỉ mang tính bề nổi. Thời gian truyền thông không dài, không đi sâu giải thích và tư vấn tỉ mỉ, cặn kẽ.

Các em tham gia trong chương trình lại ngại hỏi nên những khúc mắc, hiểu lầm cứ thế tồn tại và lan tràn theo cấp số nhân…Làm thế nào để vị thành niên thực sự hiểu đúng, đầy đủ và toàn diện về sức khỏe sinh sản xem ra vẫn còn là một bài toán nan giải!

Đơn cử như với thuốc tránh thai khẩn cấp Postinor, nhiều bạn biết cách dùng nhưng lại không biết rằng chỉ được phép dùng không quá 3 lần trong 1 tháng, nếu quá liều sẽ nguy hiểm.

Nhiều bạn gái có tâm lý sống thoáng, quan hệ tình dục trước hôn nhân hoặc không dùng biện pháp tránh thai an toàn coi việc uống thuốc tránh thai khẩn cấp sau mỗi lần quan hệ tình dục là bình thường, dùng thường xuyên.

Thậm chí, trước khi dùng thuốc, họ cũng không đọc hướng dẫn sử dụng kèm theo. Có người vì dùng quá nhiều thuốc tránh thai khẩn cấp nên sau này đã bị vô sinh vĩnh viễn.

Hay như bao cao su tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng biết dùng đúng cách, một số người còn bị dị ứng. Hơn nữa, ngay cả với những biện pháp an toàn nhất, vẫn có xác suất có thể thụ thai”.

Khi đem những thắc mắc về tâm sinh lý như tuổi dậy thì, mộng tinh, kinh nguyệt… hỏi một số học sinh lớp 12, chúng tôi nhận được câu trả lời rất qua loa, đại khái.

Chuyển sang vấn đề “quan hệ tình dục”, có em nói vanh vách rằng quan hệ với gái mại dâm một lần duy nhất vẫn có thể nhiễm HIV, rằng “không mang bao cao su khi quan hệ làm tăng nguy cơ lây bệnh”.

Nhưng khi đề nghị em giải thích rõ về cơ chế lây nhiễm, con đường lây nhiễm thì em lại ngắc ngứ: “Cái đó, em chưa tìm hiểu kỹ”. Hiểu không đến đầu đến đuôi, tiếp thu kiến thức về sức khỏe sinh sản một cách không chính thống là thực tế ở thanh niên hiện nay.

Suốt 45 phút học về sức khỏe sinh sản ở trường THPT L.V.C hầu như không một cánh tay giơ lên phát biểu hay trình bày ý kiến. Cô giáo độc diễn từ đầu đến cuối. Tiết học kết thúc trong bầu không khí nhạt nhẽo.

Cô Nguyễn Thị Điền, giáo viên Sinh học của một trường THPT cho hay: “Hầu hết học sinh không mấy hứng thú với những giờ học liên quan tới giới tính, sức khỏe sinh sản. Đôi khi chỉ ngồi học theo kiểu miễn cưỡng”.

Bác sĩ Vũ Minh Phượng cảnh báo: “Mặc dù được học ở trường nhưng học sinh tiếp thu kiến thức không đầy đủ. Học được một nửa nhưng cứ nghĩ thế là đủ.

Kênh thông tin trên internet là con đường quan trọng nhưng vẫn thiếu sự trao đổi qua lại cần thiết từ hai phía, đặc biệt là thiếu định hướng. Các chương trình phát thanh, truyền hình tư vấn tâm sinh lý thì bị hạn chế bởi thời lượng phát sóng.

Vị thành niên chủ quan với những gì mình có, đến lúc gặp sự cố mang những kiến thức nửa vời đó ra giải quyết, tất yếu để lại hậu quả khôn lường”.

MỚI - NÓNG