Uống kháng sinh: cần kiêng kỵ gì?

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Lưu ý gì khi sử dụng men tiêu hóa kèm kháng sinh? Làm thế nào để biết vi khuẩn đã bị tiêu diệt hoàn toàn?... Những điều này tuy đơn giản, song không phải ai cũng thực hiện đúng.

Cả tuần nay, chị Phùng Thị Thanh (Gia Lâm, Hà Nội) bị căn bệnh viêm đường tiết niệu hành hạ. Nó khiến những lần đi tiểu của chị biến thành cơn ác mộng khi cảm giác rát, buốt chạy dọc cơ thể. Đã thế, chị còn đi tiểu suốt ngày, gần như là 30 phút/lần, mà mỗi lần cũng chỉ són són được tí tẹo. 

Đi khám, bác sĩ kê cho chị bao nhiêu là thuốc, vừa kháng sinh, vừa kháng viêm và thuốc bổ, song bệnh cũng chỉ đỡ phần nào. Rồi không hiểu có phải do uống nhiều kháng sinh quá không mà ruột gan chị lúc nào cũng có cảm giác bứt dứt, khó chịu. Nghĩ cơ thể bị háo, chị lục đục ra chợ chọn mấy quả cam ăn cho mát ruột. Thế nhưng, chưa kịp ăn, chị đã thấy mẹ chồng nhắc nhở: “Mẹ nghe người ta nói, uống thuốc kháng sinh thì không nên ăn cam, bưởi”. Chẳng biết thực hư thế nào, bởi trước đây, chị đã từng làm như thế rất nhiều lần và cũng thấy cơ thể đỡ mệt mỏi, khó chịu hơn hẳn.

Khác với chị Thanh, chị Ngô Ngọc Quỳnh (Q.7, TP. Hồ Chí Minh) lại thường xuyên cho con uống kháng sinh kèm với sữa chua nước. Chị lý giải: “Bé nhà tôi khó uống thuốc lắm, nếu cứ uống không thì thường xuyên nôn ẹo, nên tôi phải “nhử” bé bằng cách cho uống thuốc cùng với sữa chua nước. Chẳng biết lợi hại thế nào, nhưng thuốc cứ vào được dạ dày của con là tôi yên tâm rồi”.

Uống không đúng cách, vi khuẩn mạnh hơn

Trước nay, khi sử dụng kháng sinh, điều chúng ta quan tâm đơn giản chỉ là: đó là thuốc trị bệnh gì, phải dùng trong bao nhiêu ngày, liều lượng như thế nào... Những chống chỉ định khi dùng kháng sinh dù có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tăng hiệu quả điều trị thì vẫn chưa được chú ý đúng mức.

Thực tế, không chỉ có chị Thanh mà hầu hết chúng ta đều sử dụng cam, bưởi kèm với kháng sinh với lý do: chống háo nước cho cơ thể. Tuy nhiên, bàn về vấn đề này, PGS.TS. Dược sĩ Nguyễn Phương Dung, Đại học Y dược Tp.HCM cho rằng: khoảng 20 năm về trước, thuốc kháng sinh thường được sử dụng với vitamin C như cam, bưởi... vì người ta cho rằng kháng sinh thì diệt được vi khuẩn còn vitamin C thì tăng sức đề kháng.

Tuy nhiên, ngày nay, khoa học chỉ ra rằng quan niệm này không còn đúng nữa, đặc biệt là với những loại kháng sinh không bền trong môi trường axit (có tính chua) như: penicilin, ampicilin, amoxycilin, augmentin, unacyl, cloxacylin, oxacili... khi uống kèm với vitamin C sẽ làm biến tính kháng sinh, mất hiệu quả điều trị. Như vậy là nó không những không diệt được vi khuẩn gây bệnh mà còn làm cho vi khuẩn đề kháng với kháng sinh.

Không chỉ vậy, để kháng sinh trở nên dễ uống hơn, nhiều người còn uống thuốc với sữa, sữa chua nước, nước ngọt, nước có ga, nước canh... Theo PGS Dung, các loại nước này thực chất có thể tạo kết tủa, giảm sự hấp thụ thuốc kháng sinh. Với các loại nước có ga, nó sẽ làm tăng mức độ ảnh hưởng đến dạ dày của thuốc. Chính vì vậy, an toàn nhất vẫn là uống thuốc với nước lọc.

Ngoài những điều trên, khi sử dụng kháng sinh, bạn cũng cần lưu ý: với thuốc dạng siro, không nên tu trực tiếp từ chai vì dễ khiến thuốc nhiễm khuẩn cũng như liều lượng uống không chính xác; với thuốc dạng viên, không nên nghiền nhỏ vì một số loại thuốc được bào chế dưới dạng hấp thụ từ từ và nếu bạn nghiền nhỏ, thuốc sẽ hấp thụ liền lúc, có thể gây nguy hiểm. Thời gian uống thuốc cũng cần chia đều, tránh tình trạng lần thì uống gần nhau quá, lần thì xa nhau quá khiến hiệu quả điều trị bị suy giảm. Thực tế, một số người còn có thói quen uống thuốc khô (uống thuốc không cần nước). Việc này không chỉ làm tổn thương thực quản mà còn khiến quá trình hấp thu thuốc bị đẩy lùi.

Đặc biệt, PGS Dung khuyến cáo: đối với người già, đặc biệt là những người đang sử dụng thuốc để điều trị các bệnh như đái tháo đường, rối loạn lipid máu... cần hết sức lưu ý khi sử dụng kháng sinh bởi nó có thể gây ra những tương tác bất lợi. Do đó, với những người này, tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc mà cần có sự thăm khám của bác sĩ. Khi đi khám, cũng cần thông báo với bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ có thể kê kháng sinh phù hợp.

Với trẻ nhỏ, đặc điểm của cơ thể là các enzym chuyển hóa thuốc chưa phát triển đầy đủ, vì thế, khi sử dụng thuốc, cần dùng đúng chế phẩm cho em bé, chứ không phải là lấy thuốc của người lớn chia đôi, chia ba cho bé uống. Ngoài ra, nếu phải sử dụng kháng sinh liên tục, bé thường bị loạn khuẩn đường ruột, nên các mẹ càng cần phải sử dụng thuốc theo đơn. Dựa trên tình hình thực tế sau khi thăm khám, bác sĩ có thể kê kèm theo các thuốc chống lại sự rối loạn này. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh và men tiêu hóa phải sử dụng cách nhau ít nhất là 2 tiếng, nếu không men tiêu hóa sẽ làm bất hoạt kháng sinh.

Một lưu ý cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó là bạn cần thực hiện tái khám sau mỗi đợt dùng thuốc. Việc này có ý nghĩa rất lớn trong việc chống lại sự nhờn thuốc ở những lần sử dụng tiếp theo.

Theo PGS Dung, thông thường, bác sĩ sẽ kê thuốc cho chúng ta trong 5-10 ngày. Sau khi uống hết liều, bạn cần đi khám lại để xem vi khuẩn đã thực sự bị tiêu diệt hoàn toàn chưa, hay chúng chỉ đang ở trạng thái “ngủ đông”, chờ cơ hội tiếp theo tấn công vào cơ thể. Thực tế, khi tự ý mua thuốc ở các hiệu thuốc, có nhiều người chỉ được kê liều dùng 3 ngày, song PGS Dung cho rằng: liều dùng 3 ngày không đủ để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn nên dễ rất đến tình trạng nhờn thuốc, kháng thuốc.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.