Ước mơ nhịp cầu nâng bước chân em vượt lũ đến trường

0:00 / 0:00
0:00
Ước mơ nhịp cầu nâng bước chân em vượt lũ đến trường
TPO - Những ngày nước lũ đổ về, bản Lưu Thắng, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) bị cô lập hoàn toàn. Hàng trăm học sinh không thể đến trường, cuộc sống người dân đình trệ. Hai học sinh cố gắng vượt suối đến trường bị lũ cuốn trôi là nỗi ám ảnh bao năm nay với người dân sở tại.

Gắn bó bao đời nay với người Khơ Mú, bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), suối Khe Tiêu uốn lượn, vắt vẻo bên sườn núi, bao bọc lấy bản làng. Cuộc sống người dân bản địa khó khăn với 70% hộ nghèo, thu nhập dựa vào nương rẫy nên suối Khe Tiêu cũng là nguồn sống của họ. Từng con cá đánh bắt được phần nào cải thiện bữa cơm với rau dại. Sáng lên rừng, chiều xuống suối, cuộc sống với người Khơ Mú cứ thế trôi qua mỗi ngày.

Từ những hộ dân nằm rải rác, đến nay, bản Lưu Thắng đã có 118 hộ. Hằng ngày, trên con đường quen thuộc, 157 em học sinh lội suối tới trường. Theo thầy học chữ được các già làng trong bản quan tâm với mong muốn thế hệ con cháu đổi thay Lưu Thắng. Một cuộc sống bình yên, trình độ dân trí được nâng lên, đang diễn ra ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này. Tuy nhiên, chặng đường các em tới trường nhiều khi phải đối diện với hiểm nguy rình rập. Lúc êm đềm chảy, suối Khe Tiêu là nguồn sống nhưng ngày lũ dồn dập đổ về, suối là con “thủy quái” khổng lồ nhấn chìm vật cản.

Ước mơ nhịp cầu nâng bước chân em vượt lũ đến trường ảnh 1 Suối Khe Tiêu qua bản Lưu Thắng.

Những chiếc cầu tạm được dựng lên để giải quyết tình trạng bị cô lập mùa lũ. Nhưng lượng nước thượng nguồn đổ về quá lớn khiến những cây cầu ấy bị xóa bỏ. Cuộc sống bị đình trệ, việc học của các em dở dang. Hy vọng nâng cao dân trí thế hệ con cháu của các già làng trở nên mong manh, đứt đoạn.

Đặc biệt, vào khoảng năm 2010, nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân Lưu Thắng xảy ra. Trên đường đi học về, em Cụt Thị Dậu (12 tuổi) bị lũ cuốn trôi. Hai năm sau, em Cụt Thị Anh (10 tuổi) từ nhà đến trường cũng bị đuối nước. Từ đó, mỗi khi trời mưa lớn, nước suối dâng cao, học sinh bản Lưu Thắng chỉ biết ở nhà trong nỗi buồn không được đến lớp như bạn bè cùng trang lứa.

Ước mơ nhịp cầu nâng bước chân em vượt lũ đến trường ảnh 2  Đoàn công tác của Tỉnh đoàn Nghệ An, báo Tiền Phong, Huyện Kỳ Sơn khảo sát địa điểm xây dựng "Cầu thanh niên - Cùng em vượt lũ".

Ông Moong Hai Phai - Trưởng bản Lưu Thắng cho biết: “Trong bản có nhiều trường hợp bị lũ cuốn rồi, có cả người lớn nhưng may mắn được cứu sống. Cách đây 2 năm, có em học sinh bị lũ cuốn ra xa nhưng mắc vào bụi cây ngồi chờ 4 giờ đồng hồ, dân làng tìm mọi cách để cứu nhưng không được. Đến khoảng 3 giờ sáng, lũ xuống thì mới buộc dây vào người lớn ra suối cõng vào. Đêm hôm đó, cả bản mất ăn, mất ngủ. Người nhà sợ hãi khóc cạn nước mắt. Rồi năm 2019, một hộ dân lùa bò trong rừng về, khi qua suối cũng bị cuốn trôi. Sáng hôm sau mặc kẹt chết ở đầu bản, người dân làm thịt chia nhau trả tiền nhằm vớt vát tài sản cho hộ đó”.

“Chính quyền sở tại luôn trăn trở xây dựng một cây cầu tại bản Lưu Thắng nhưng nguồn kinh phí lớn nên lâu nay không triển khai được. Chúng tôi rất mong muốn nhận được sự sẻ chia của cộng đồng để những em học sinh, phụ huynh Lưu Thắng không còn lo sợ ngày lũ tràn về. Để những mất mát về con người không còn tái diễn, để các gia đình được sum vầy, hạnh phúc”, ông La Đức Thoại - Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chia sẻ.

Ước mơ nhịp cầu nâng bước chân em vượt lũ đến trường ảnh 3 Học sinh bản Lưu Thắng ngày ngày qua suối đến trường.

Hàng chục năm nay, người dân Lưu Thắng luôn ước mơ có một cây cầu. Nhịp cầu nối đôi bờ, các em học sinh sẽ được đến trường đều đặn, người dân yên tâm lao động sản xuất. Nỗi ám ảnh lũ dữ sẽ qua đi. Mong muốn thế hệ con cháu theo thầy học chữ xây dựng bản làng tiếp tục được thắp lên tia sáng.

Kỳ Sơn là huyện miền núi cao, biên giới phía Tây Nghệ An, có tổng diện tích tự nhiên 209.484,04 ha; Có 20 xã, 1 thị trấn và 195 khối, bản. Tổng dân số 72.321 người; có 5 dân tộc anh em là: Dân tộc H’Mông chiếm 36%, Khơ Mú chiếm 32%, Thái 27%, Kinh, Hoa chiếm 5%. Phía Bắc, Tây, Nam huyện Kỳ Sơn giáp 5 huyện, thuộc 3 tỉnh của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với 192 km đường biên giới.

Huyện Kỳ Sơn có vị trí chiến lược quan trọng, là huyện địa đầu phía Nam của tỉnh Nghệ An, có đỉnh Phuxailaileng cao 2.711m - là ngọn núi cao nhất của Nghệ An và cả dãy Trường Sơn. Tuy nhiên, Kỳ Sơn vẫn còn là huyện khó khăn nhất của tỉnh, đời sống người dân thiếu thốn, nguồn thu chủ yếu từ nương rẫy.

Ước mơ nhịp cầu nâng bước chân em vượt lũ đến trường ảnh 4 "Công trình thanh niên - Cùng em vượt lũ" có ý nghĩa hết sức quan trọng, đậm tính nhân văn.

Ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Mặc dù được nhà nước quan tâm đầu tư cùng với sự cố gắng của các cấp ủy, chính quyền, nhân dân nhưng đến nay cơ sở hạ tầng ở Kỳ Sơn còn hạn chế. Cây cầu ở bản Lưu Thắng là cầu cần thiết, cấp bách, địa phương còn nhiều nơi như thế. Để trẻ được an tâm đến trường, tôi mong sự chung tay giúp đỡ của đoàn viên, thanh niên, các tổ chức, cá nhân hảo tâm trên toàn tỉnh và cả nước”.

Ước mơ nhịp cầu nâng bước chân em vượt lũ đến trường ảnh 5 Ngôi nhà ở bản Lưu Thắng.

Thực hiện chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2021, Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các em học sinh, người dân vùng đặc biệt khó khăn ổn định đời sống, sản xuất, học tập, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Nghệ An phối hợp Báo Tiền phong triển khai kêu gọi, ủng hộ xây dựng Công trình “Cầu thanh niên – Cùng em vượt lũ”.

Mọi chi tiết xin liên hệ: Anh Lê Văn Lương - UVBCH Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An; Số đt: 0916957658.

Đơn vị: Tỉnh đoàn Nghệ An; Địa chỉ: số 22 Trường Thi-TP Vinh- Nghệ An

Stk:  5181 000 84 55555Ngân hàng: BIDV - Chi nhánh Thành Vinh

MỚI - NÓNG