Ứng phó đại dịch COVID-19 trong khu công nghiệp: Không để bị động, lây chéo

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Phải chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung, tránh tình trạng một nhà máy có dịch, dồn tất cả công nhân vào khu cách ly chưa được chuẩn bị kỹ, dẫn đến lây nhiễm chéo”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại cuộc họp với 3 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng ngày 12/5 về phòng dịch COVID-19 trong khu công nghiệp (KCN).
Ứng phó đại dịch COVID-19 trong khu công nghiệp: Không để bị động, lây chéo ảnh 1

Nhân viên y tế lấy mẫu hàng ngàn công nhân trong khu công nghiệp An Đồn (quận Sơn Trà-TP Đà Nẵng sáng 12/5). Ảnh: Nguyễn Thành

Các ca bệnh lây nhiễm rất nhanh

Phó Thủ tướng đồng thời yêu cầu tránh tình trạng cực đoan, cảm thấy nguy cơ có dịch cho tạm ngừng sản xuất để công nhân trở về địa phương, rất nguy hiểm.

Báo cáo tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, ngày 11/5 Đà Nẵng phát hiện ca mắc COVID-19 tại Công ty cổ phần Trường Minh- chi nhánh Đà Nẵng, thuộc KCN An Đồn (quận Sơn Trà). Lấy mẫu trong đêm phát hiện thêm 32 ca dương tính SARS-CoV-2. “Các ca này lây nhiễm rất nhanh”, ông Chinh nói. Có 660 mẫu xét nghiệm công nhân, bảo vệ, tiểu thương… khu vực quanh KCN An Đồn được lấy mẫu, cho kết quả âm tính. Riêng các F1 liên quan 33 ca dương tính chưa có kết quả.

Bà Tô Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cho biết, sau khi phát hiện ca mắc COVID-19 ở Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam, các lực lượng đã truy vết được 49 trường hợp F1 và 1.166 F2 đã được lấy mẫu xét nghiệm. Tất cả đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Đối với ca mắc COVID-19 tại Công ty TNHH Công nghệ Johnson Healths Việt Nam, Bắc Ninh đã truy vết, rà soát lại 27F1, 589F2; lấy 2.800 mẫu và đang chờ kết quả xét nghiệm. Truy vết được 40F1, 533 F2 của ca mắc COVID-19 tại Công ty TNHH Canon Việt Nam; lấy 1.998 mẫu và phát hiện 2 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong đêm 11/5.

Bà Hoa thông tin, tình hình dịch tại huyện Thuận Thành diễn biến căng thẳng, tập trung chủ yếu ở xã Mão Điền với 95 ca COVID-19. Tại Bắc Ninh hiện có 16 khu công nghiệp với trên 300.000 công nhân. Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh xác định nếu để dịch bệnh ảnh hưởng các KCN sẽ rất khó khăn.

Dịch bệnh trong khu công nghiệp rất phức tạp

Khẳng định hiện Bắc Ninh kiểm soát được dịch bệnh trong các KCN nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Hương Giang đề nghị Chính phủ, các địa phương tháo gỡ khó khăn cho Bắc Ninh trong việc vận chuyển, đưa đón công nhân, chuyên gia khi đi qua các địa phương.

Theo đó, các xe chỉ sử dụng 50% số ghế ngồi, mỗi xe không quá 20 người, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh như đo thân nhiệt, khử khuẩn… Tuy nhiên, khi đi qua các địa phương, một số chốt chặn không cho xe đi qua dẫn đến xe phải đi đường vòng, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến sản xuất. Bắc Ninh đề xuất gửi danh sách các xe đi theo tuyến, gửi các tỉnh liên quan để các địa phương hỗ trợ Bắc Ninh trong việc đưa đón công nhân, chuyên gia.

Tại Bắc Giang hiện có 2 ổ dịch ở xã Phương Sơn (huyện Lục Nam) và Công ty TNHH Shin Young Việt Nam, KCN Vân Trung (huyện Việt Yên). Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh này nhận định ổ dịch tại công ty Shin Young Việt Nam “rất phức tạp” do công nhân tập trung đông (khoảng 90.000 người).

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định tình hình dịch tại 3 địa phương Đà Nẵng, Bắc Ninh và Bắc Giang có đặc điểm tương đối giống nhau, khi xuất hiện ca F0 trong KCN và từ KCN lây bệnh ngoài cộng đồng. Tại các KCN, cụm công nghiệp, mật độ công nhân đông và vào từng thời điểm thì mật độ tiếp xúc với nhau rất gần, như cùng một giờ công nhân đến làm việc, cùng một giờ công nhân nghỉ ca hay giờ ăn trưa, giờ tan ca... như vậy, nguy cơ lây nhiễm trong KCN rất cao.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh tại các KCN còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng lãnh đạo các địa phương đều khẳng định “cơ bản khoanh vùng được”.

Sáng tạo, linh hoạt trong xét nghiệm sàng lọc

Để công tác xét nghiệm theo kịp tốc độ truy vết, lấy mẫu, nhằm xác định nhanh nhất tình hình dịch bệnh, các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đã sử dụng kết hợp cả xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR. Trong khi đó, TP Đà Nẵng thực hiện xét nghiệm PCR mẫu gộp với số lượng khác nhau dựa vào đánh giá mức độ nguy cơ ở từng khu vực.

Tối 12/5, Bộ Y tế cho biết trong ngày có 82 ca mắc COVID-19 ghi nhận trong nước. Trong đó, Đà Nẵng - 27 ca, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh - 6 ca, Bắc Giang - 17 ca, Vĩnh Phúc - 13, Bắc Ninh - 5, Hà Nội - 8 ca, Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Lạng Sơn, Nam Định, Phú Thọ mỗi địa phương có 1 ca mắc mới.

Tuy nhiên, việc đặt mua các loại sinh phẩm xét nghiệm nhanh hiện rất khó khăn, hầu hết các tỉnh đang sử dụng xét nghiệm nhanh do doanh nghiệp tặng, tài trợ. Đơn cử, tỉnh Bắc Giang có khoảng 160.000 công nhân trong các KCN thì cần có khoảng 100.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh nhưng chỉ có khoảng 2.000 bộ do doanh nghiệp tài trợ và mua thêm được gần 2.000 bộ.

Phó Thủ tướng cho rằng Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang đã rất sáng tạo trong việc sử dụng kết hợp xét nghiệm PCR với các công nghệ xét nghiệm mới, xét nghiệm nhanh để bảo đảm xét nghiệm theo kịp tốc độ lấy mẫu trong thời gian ngắn nhất. Từ cách làm của TP Đà Nẵng trong xét nghiệm mẫu gộp (đến 10 mẫu hoặc 20 mẫu tùy từng trường hợp), Phó Thủ tướng đề nghị địa phương này tổng kết thành hướng dẫn chia sẻ với các địa phương khác trong việc áp dụng xét nghiệm mẫu gộp với số lượng khác khau trong các tình huống khác nhau, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm.

Ông đồng thời yêu cầu Bộ Y tế phải đẩy nhanh việc cấp phép cho các công nghệ xét nghiệm mới nhanh hơn, rẻ hơn, sàng lọc được nhiều hơn, và thống kê nhu cầu mua, sử dụng xét nghiệm nhanh của các địa phương, có hướng dẫn cụ thể cho địa phương để sử dụng kết hợp các loại xét nghiệm trong các tình huống dịch bệnh khác nhau, ở những khu vực có nguy cơ khác nhau.

“Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có các môi trường kín, vì vậy, phải giữ bảo đảm thông thoáng các nhà máy, cơ sở sản xuất; khi phát hiện ca nhiễm trong khu công nghiệp phải bình tĩnh xử lý, phân loại theo mức độ nguy cơ để cách ly, quản lý chặt tránh lây nhiễm chéo khi cách ly tập trung” PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.