Dầm sương dãi nắng trong điều kiện khắc nghiệt ở miền biên ải xứ Lạng, nhiều lái xe miền Nam đã đổ bệnh, nhiều người ho sốt.
Ngồi trong cabin ô tô container biển số 29H-128.89, anh Tuấn cùng 3 đồng nghiệp lái xe đến từ miền Tây Nam bộ tranh thủ ăn cơm trưa. Anh cho biết, sáng nhịn đói, trưa và chiều mua cơm hộp do người dân địa phương hoặc chủ bãi ship đến, mỗi suất 50 ngàn đồng với lèo tèo rau thịt.
Tôi nhác thấy từng tốp tài xế sạm đen ngồi túm tụm ở góc khuất, tránh nắng ở gầm xe hoặc ngồi vật vạ ở những lùm cây dùng bữa cơm đạm bạc. Vừa ăn, họ vừa dõi về phía biên giới mong ngóng đến lượt mang hàng đi bán.
Tài xế Lê Xuân Trung, 43 tuổi, người quê Quảng Trị, lái xe ô tô biển số 51C-17755, cho biết, anh đã ở bãi trung chuyển Bản Liếp, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc 4 ngày, đang ở vị trí “nốt” là 1929. Như vậy, nếu tính trung bình 50 xe/ngày, thì phải mất một tuần nữa, xe của anh mới được rời bãi Bản Liếp để lên cửa khẩu, tiếp tục chờ đợi để thông quan. “Một ngày, ở bãi trung chuyển Bản Liếp chúng tôi phải trả gần 100 ngàn đồng tiền lưu trú bến bãi, còn một số bãi tại biên giới thì phải trả từ 300 đến 400 ngàn đồng/ngày/xe”, anh Trung nói.
Lái xe xả nước trên xe container để lấy nước sinh hoạt. Ảnh: Duy Chiến |
Theo anh Trung, bên cạnh phải đối mặt sự khắc nghiệt thời tiết miền biên viễn, cánh lái xe dặm trường còn phải tính chi ly từng ngày vì tại bãi trung chuyển, tất cả phải mất tiền chi phí cho các khoản sinh hoạt hằng ngày, ví như giặt 15 nghìn đồng/áo, quần, tắm 20 nghìn đồng/lượt, nước uống 25 nghìn đồng/bình, đi vệ sinh 5 nghìn đồng/người/lượt. Có những người đi tiểu vào chai nước rồi vứt ra góc đồi, cho vào thùng rác, nếu bị phát hiện sẽ bị cảnh cáo, nhắc nhở, bêu xấu.
Một lái xe xin giấu tên, người tỉnh Hải Dương, bức xúc trình bày: “Xe ô tô của chúng tôi đã ở bãi trung chuyển 9 ngày, ngày đêm phải chạy máy để giữ lạnh cho thùng hoa quả nên hết dầu. Ðược sự đồng ý của những người quản lý bến bãi nên chúng tôi ra ngoài tiếp nhiên liệu, đến khi quay trở lại, bảo vệ nhất định không cho xe vào bãi, chúng tôi phải năn nỉ đến 3-4 tiếng đồng hồ, các anh ấy mới cho xe vào vị trí đỗ cũ”.
Tôi theo tài xế Trung đến gầm xe và được anh chỉ cho thấy bộ đồ nhựa chứa đồ mặn, làm sẵn và một số bình, chai nước. Anh bảo, khoảng một tuần anh lại đến các chỗ nghỉ của đồng nghiệp cùng quê để nấu thức ăn để dành. Còn nước thì hứng những giọt nước trong bình nước xe container chảy ra để tích cóp rửa mặt, tắm táp.
Nhiều lái xe tiếc 50 nghìn đồng một suất cơm hộp lèo tèo thức ăn. Người đã mệt mỏi lại không hợp khẩu vị nên nuốt chẳng trôi, bèn rủ nhau chung tiền mua thịt, rau, gạo để nấu cơm. Tốp lái xe người Tiền Giang cầm một mớ rau cải nhỏ vừa mua về nói với tôi, họ vừa mua với giá 10 ngàn đồng, đắt gấp rưỡi ngoài chợ. Nhiều nhóm khác xúm quanh những lỉnh kỉnh xoong, nồi, bát đĩa…
“Xác định là ở nhiều ngày, ai cũng phải trên dưới chục ngày lưu trú nơi đây nên anh em phải bàn nhau nấu cơm. Thêm nữa, ban quản lý bãi trung chuyển không cho ra ngoài cổng vì lo dịch bệnh nên chỉ mua ở một quán bán rau cỏ, thịt cá ở trong bãi. Biết là mua với giá “cắt cổ” nhưng chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác”, lái xe biển số 51D.618 chở mít từ Tiền Giang nói.