Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Wall Street Journal hôm 11/6, Giám đốc điều hành Raytheon Technologies, ông Gregory J. Hayes cho biết: "Công ty có kế hoạch cung cấp thêm 5 hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine vào cuối năm 2024. Tỷ lệ sản xuất của Raytheon Technologies sẽ mở rộng lên tới 12 hệ thống một năm, vì hiệu quả của chúng ở Ukraine vượt ngoài mong đợi".
Gregory J. Hayes lưu ý rằng, hiệu quả của hệ thống phòng không Patriot rất ấn tượng. Việc kết hợp Patriot cùng với các tổ hợp phòng không khác đã giúp ngăn chặn khoảng 90% các cuộc tấn công. Điều đặc biệt là Ukraine đã điều chỉnh phần mềm của Patriot cho phép nó theo dõi và tiêu diệt tên lửa siêu thanh bay nhanh gấp đôi so với thiết kế.
Patriot là hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không do Raytheon Technologies Corp chế tạo và được coi là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Mỹ. Tháng 4/2023, Tư lệnh Lực lượng Không quân Ukraine thông báo đã nhận được hệ thống phòng không Patriot đầu tiên từ Đức và đã sẵn sàng trực chiến tại Ukraine.
Một khẩu đội Patriot bao gồm một trạm radar, một phương tiện chỉ huy, một số phương tiện hỗ trợ và thường có từ 6 đến 8 bệ phóng. Mỗi bệ phóng M903 có thể có tới 12 tên lửa đánh chặn MSE hoặc 4 GEM-T.
Trong đó, tên lửa MSE là phiên bản hiện đại nhất, được thiết kế với chiều dài 5,21 m; trọng lượng 312 kg; được trang bị một động cơ kép xung lực, có thể tiêu diệt tên lửa đang bay tới ở độ cao 40 km với tốc độ bay đạt Mach 5.
Tổ hợp quan trọng nhất trong hệ thống tên lửa Patriot là hệ thống radar AN/MPQ-53/65, cung cấp khả năng phát hiện, theo dõi và dẫn đường cho tên lửa. Trong khi đó, hệ thống máy tính tiên tiến trên xe đảm bảo độ chính xác và hiệu quả cao trong việc nhắm mục tiêu, đánh chặn các mối đe dọa.
Theo các quan chức Lầu Năm Góc, các hệ thống Patriot đã củng cố khả năng phòng không của Ukraine, bởi khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu.