Quyết định này được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 5/10.
Được biết, trong cuộc hội đàm, lãnh đạo hai nước đã thảo luận về tình hình xung đột ở Ukraine, về khả năng viện trợ các hệ thống phòng không và hệ thống chống máy bay không người lái mới, cũng như đào tạo binh lính Ukraine.
Theo đó, Chính phủ Tây Ban Nha sẽ cung cấp cho Ukraine sáu hệ thống phòng không MIM-23 Hawk nhằm giúp Kiev tăng cường khả năng chống lại các cuộc tấn công vào những mục tiêu dân sự và cơ sở hạ tầng quan trọng, cũng như bảo vệ hành lang ngũ cốc mới.
Tháng 10/2022, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết, theo yêu cầu của NATO, Tây Ban Nha sẽ cung cấp 4 hệ thống phòng không MIM-23 Hawk cho Ukraine. Đến tháng 11 cùng năm, nước này tuyên bố cung cấp thêm hai hệ thống nữa.
Như vậy, với đợt viện trợ mới này, tổng số hệ thống phòng không MIM-23 Hawk mà Ukraine nhận được từ Tây Ban Nha sẽ được nâng lên thành 12.
MIM-23 Hawk do công ty Raytheon của Mỹ thiết kế và phát triển, được đưa vào sử dụng từ năm 1960. Hệ thống đã trải qua 3 giai đoạn hiện đại hóa.
Một khẩu đội HAWK giai đoạn III điển hình bao gồm một radar MPQ-50, một radar giám sát sóng liên tục AN/MPQ-62, hai radar chiếu sáng AN/PQ-61, một trung tâm phân phối hỏa lực, một máy thu phát mục tiêu và sáu bệ phóng với 18 tên lửa.
Hệ thống MIM-23 HAWK ban đầu được thiết kế để tiêu diệt máy bay và sau đó được nâng cấp để đánh chặn tên lửa. Các phiên bản đầu tiên của hệ thống phòng không có tầm bắn lên tới 25 km và độ cao lên tới 14 km. Sau khi hiện đại hóa, phạm vi đánh chặn mục tiêu tối đa được tăng lên 40 km, với độ cao đánh chặn tối đa là 18 km.