Ukraine muốn có hội nghị chấm dứt chiến tranh vào cuối tháng 2, Nga ‘dội nước lạnh’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 26/12, Ngoại trưởng Ukraine cho biết Kiev muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh để chấm dứt chiến tranh vào cuối tháng 2, nhưng không cho rằng Nga sẽ tham gia.
Ukraine muốn có hội nghị chấm dứt chiến tranh vào cuối tháng 2, Nga ‘dội nước lạnh’ ảnh 1

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba

Trong cuộc trả lời phỏng vấn AP, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba nói rằng chính phủ Ukraine muốn một hội nghị hoà bình diễn ra trong vòng 2 tháng tới tại Liên Hợp quốc, trong đó Tổng thư ký Antonio Gueterres đóng vai trò điều phối.

LHQ chỉ đưa ra phản ứng thận trọng.

“Như Tổng thư ký đã nhiều lần khẳng định, ông chỉ có thể là trung gian nếu tất cả các bên muốn ông đóng vai trò này”, phát ngôn viên LHQ Florencia Soto Nino-Martinez cho biết ngày 26/12.

Ngoại trưởng Kuleba cho rằng Nga phải bị xét xử vì “tội ác chiến tranh” trước khi Ukraine đối thoại trực tiếp với Mátxcơva. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng các quốc gia khác nên thoải mái trao đổi với Nga, như việc đã diễn ra trước khi có thoả thuận ngũ cốc giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Kuleba khẳng định “hoàn toàn hài lòng” với kết quả chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Volodymir Zelensky tuần trước. Ông cũng tiết lộ rằng chính phủ Mỹ đã có một kế hoạch đặc biệt để Ukraine có thể vận hành hệ thống tên lửa Patriot trong chưa đầy 6 tháng tới. Thông thường, việc huấn luyện sử dụng hệ thống này kéo dài cả năm.

Ông Kuleba khẳng định, Ukraine sẽ làm bất kỳ điều gì để có thể chiến thắng trong cuộc chiến này trong năm 2023.

“Mọi cuộc chiến đều kết thúc bằng ngoại giao. Mọi cuộc chiến đều kết thúc bằng kết quả trên chiến trường và tại bàn đàm phán”, ông nói.

Bình luận về đề xuất của ông Kuleba, phát ngôn viên điện Kremlin nói với hãng tin RIA rằng Nga “không bao giờ làm theo những điều kiện mà người khác đặt ra, chỉ làm theo những điều kiện và ý thức của chúng tôi”.

Tuần trước, ông Peskov nói rằng không có kế hoạch hoà bình nào của Ukraine có thể thành công mà không tính đến “những thực tế hôm nay”, ngụ ý nói đến yêu cầu của Mátxcơva về việc Ukraine phải công nhận Nga có chủ quyền đối với bán đảo Crimea và các tỉnh khác mà Nga đã sáp nhập.

Theo AP
MỚI - NÓNG