Hiện tại, Ukraine có hai hệ thống IRIS-T đã được Kiev xác nhận triển khai trên lãnh thổ nước này. Các bức ảnh về hệ thống đầu tiên đã được báo cáo vào đầu năm nay và hệ thống thứ hai đã chuyển giao vào ngày 16/4.
Theo thông tin từ tờ Kyiv Independent, hai hệ thống còn lại của đợt đầu tiên sẽ đến vào đầu năm 2024, trong khi đợt thứ hai (công bố hôm 12/5) sẽ được gửi đến trong vài năm tới.
Ngoài 4 hệ thống IRIS-T mới đã được công bố cho Ukraine, Đức hứa sẽ cung cấp 30 xe tăng Leopard 1, 15 pháo tự hành phòng không Gepard và hơn 200 máy bay không người lái do thám. Các phương tiện chiến đấu này cũng nằm trong gói viện trợ trị giá gần 2,7 tỷ euro.
Các chuyên gia quân sự cho rằng việc sử dụng chung hệ thống tầm xa Patriot của Mỹ và IRIS-T của Đức có thể tạo ra một ô phòng không tuyệt vời trên bầu trời thủ đô Kiev. Hai hệ thống tương tác hoàn hảo và mỗi hệ thống có thể đảm nhận một loại mục tiêu khác nhau.
Chuyên gia cũng nói thêm rằng nếu Ukraine được hỗ trợ bởi máy bay AWACS (máy bay kiểm soát và cảnh báo trên không) của phương Tây, thì hiệu quả của IRIS-T có thể sẽ tăng lên đáng kể.
Hệ thống phòng không IRIS-T mà Ukraine nhận được thuộc loại tầm trung, có khả năng đánh chặn máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, pháo phản lực, máy bay không người lái, tên lửa chống radar và bom.
Tên lửa IRIS-T có trọng lượng 87,4 kg; chiều dài 2,93 m; đường kính thân 127 mm; sải cánh 447 mm; lắp đầu nổ phá mảnh uy lực cao. Phạm vi hoạt động của tên lửa lên tới 25 km. Tốc độ phát triển tên lửa đánh chặn đạt tới Mach 3.0.
IRIS-T có hai chế độ bắn: Khoá trước khi phóng và khóa sau khi phóng, cho phép tiêu diệt hiệu quả mục tiêu tại mọi góc độ, trong nhiều điều kiện giao tranh. Hệ thống phòng không có tầm bắn xa tối đa 40 km, độ cao tối đa 20 km, được kỳ vọng nâng cao đáng kể năng lực phòng thủ của Ukraine.