Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky. (Ảnh: Reuters) |
Danh sách này là nỗ lực của Kiev nhằm bêu tên các công ty làm ăn với Nga
Nguồn tin cho biết, Ukraine có thể trong ngày 22/3 sẽ hủy bỏ danh sách này và cả một trang web nêu thông tin chi tiết về các cá nhân bị phương Tây trừng phạt, các công ty cung cấp và nguồn gốc những bộ phận vũ khí của Nga.
"Danh sách đen" này không có giá trị pháp lý nhưng gây khó chịu cho khoảng 50 công ty lớn vẫn làm ăn ở Nga và được cho là hỗ trợ chiến dịch quân sự đặc biệt của Mátxcơva thông qua những hoạt động như nộp thuế.
Sự sụp đổ của chiến dịch bêu riếu là dấu hiệu cho thấy Kiev có thể phải làm dịu lập trường của mình trong bối cảnh nước này ngày càng khó duy trì sự ủng hộ đối với nỗ lực chiến tranh, khi cuộc xung đột với Nga đã kéo dài hơn 2 năm và ngày càng khó khăn.
“Đó là Trung Quốc, nhưng không chỉ Trung Quốc”, một người có hiểu biết trực tiếp về vấn đề này nói với Reuters. Người này cũng nói đến áp lực từ Pháp phải đưa hai hãng bán lẻ đồ gia dụng Auchan và Leroy Merlin khỏi danh sách.
Tháng 2 vừa qua, Bắc Kinh yêu cầu Kiev đưa 14 công ty của họ khỏi danh sách để "loại bỏ các tác động tiêu cực".
Dù Trung Quốc được coi là đồng minh của Nga, Kiev cho biết họ hy vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh vào mùa xuân này để thúc đẩy tầm nhìn của Tổng thống Volodymir Zelensky về nền hoà bình cho Ukraine.
Một nguồn tin khác cho biết, Áo, Trung Quốc, Pháp và Hungary đều đã gây áp lực lên Kiev về danh sách này, đồng thời cho biết danh sách có thể bị gỡ bỏ trong vài ngày tới.
Bộ Ngoại giao của các quốc gia liên quan chưa phản hồi đề nghị bình luận.
Hungary vốn có quan hệ căng thẳng với Kiev và duy trì quan hệ gần gũi với Mátxcơva. Thủ tướng Viktor Orban từ chối gửi vũ khí tới Ukraine và nhiều lần kêu gọi đàm phán hòa bình.
Năm 2023, Hungary dọa sẽ chặn gói hỗ trợ quân sự của Liên minh châu Âu cho Ukraine và các biện pháp trừng phạt chống lại Nga nếu ngân hàng OTP của họ không được đưa ra khỏi "danh sách đen". Tên ngân hàng này đã được gỡ bỏ vài tháng sau đó.
Áo, quốc gia tiếp tục sử dụng khí đốt của Nga, cũng có lập trường tương tự.
Cuối năm ngoái, Chính phủ Áo tuyên bố sẽ không đồng ý với các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu cho đến khi Ngân hàng Quốc tế Raiffeisen, tức ngân hàng phương Tây lớn nhất ở Nga, được đưa ra khỏi "danh sách đen". Raiffeisen sau đó được đưa khỏi danh sách.
Trong danh sách này còn có 9 công ty của Mỹ và 4 công ty của Pháp và Đức.
Hai nguồn tin cho biết, danh sách do Cơ quan Phòng chống Tham nhũng quốc gia Ukraine (NACP) lập ra có thể sẽ được chuyển giao theo chỉ đạo của cơ quan tình báo quân đội Ukraine.