Uẩn khúc vụ cấp sổ đỏ cho hơn 1.000 m2 đất nông nghiệp

Uẩn khúc vụ cấp sổ đỏ cho hơn 1.000 m2 đất nông nghiệp
TP -UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã thành lập đoàn thanh tra kiểm tra dấu hiệu vi phạm xung quanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ) cho hơn 1.200 m2 đất nông nghiệp xảy ra tại phường Nghĩa Đô.

Cuối năm 2011, đại diện UBND phường Nghĩa Đô kiểm tra công tác xây dựng phát hiện một số hộ dân xây nhà trái phép trên diện tích đất nông nghiệp ở tổ 49, đối diện Trường Tiểu học Nghĩa Đô.

Thay vì phải tự tháo dỡ, các hộ dân này lập tức trình một loạt sổ đỏ được UBND quận Cầu Giấy cấp.

Chỉ cách mặt đường Hoàng Quốc Việt mấy bước chân, dải đất nông nghiệp này (dấu X) sau khi được cấp sổ đỏ có giá trên 200 triệu đồng/m2
Chỉ cách mặt đường Hoàng Quốc Việt mấy bước chân, dải đất nông nghiệp này sau khi được cấp sổ đỏ có giá trên 200 triệu đồng/m2.

Tận lúc ấy, UBND phường mới hay, toàn bộ dải đất nông nghiệp này đã biến thành đất ở đô thị của 6 cá nhân lúc nào không rõ. Tất cả có 5 sổ đỏ, trong đó thửa đất nhỏ nhất là có diện tích 200 m2, thửa lớn nhất 351,5m2.

Lục tìm trong các hồ sơ về cấp giấy chứng nhận, các cán bộ phường Nghĩa Đô không thấy bất kỳ một văn bản xét duyệt hay tờ trình nào của UBND phường về việc xét cấp giấy chứng nhận đất ở cho toàn bộ số lô, thửa đất nông nghiệp nói trên.

Tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, việc cấp sổ đỏ này xảy ra từ giữa năm 2009. Cụ thể ngày 13-7-2009, Phòng Tài nguyên Môi trường quận Cầu Giấy lúc đó do ông Lê Danh Cường (hiện là Giám đốc ban quản lý dự án của quận Cầu Giấy) là trưởng phòng có tờ trình số 308 gửi UBND quận.

Cùng ngày, lãnh đạo quận ra quyết định số 1.388 ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đối với 5 thửa đất nông nghiệp nói trên. Trong số những người được cấp có cả vợ một lãnh đạo cấp phòng của UBND quận Cầu Giấy lúc bấy giờ.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở phải qua UBND phường, cụ thể là hội đồng xét cấp giấy chứng nhận. Sau khi công khai việc xem xét cấp giấy tại trụ sở phường, nếu thấy đủ điều kiện, UBND phường lúc đó mới có tờ trình gửi lên phòng tài nguyên môi trường.

Phòng tài nguyên môi trường tiếp tục thẩm định, đề nghị UBND quận cấp giấy chứng nhận. Các thủ tục này phải được thể hiện đầy đủ bằng văn bản, công khai, minh bạch, lưu hồ sơ tại phường, tạo điều kiện tối đa cho người dân giám sát.

Quy định là vậy nhưng riêng với vụ việc này, nhiều cán bộ từng công tác lâu năm tại phường Nghĩa Đô cũng nói họ không hề hay biết. Hồ sơ tại phường hiện nay không có văn bản nào liên quan việc cấp giấy chứng nhận hơn 1.200m2 đất nói trên.

Nhưng không hiểu sao như lời một cán bộ địa chính quận Cầu Giấy nói: Trong hồ sơ của quận đang giữ có một tờ trình cấp giấy chứng nhận của UBND phường Nghĩa Đô vào năm 2005.

Thời điểm đó, ông Nguyễn Bá Thuận (hiện là cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin quận Cầu Giấy) đang là Phó chủ tịch UBND phường lúc đó phụ trách chung. Hỏi ông Thuận về việc này, ông Thuận nói “không nhớ rõ” trong khi cán bộ địa chính phường Nghĩa Đô thời điểm năm 2005 là ông T.A ông này khẳng định cũng không biết.

Giới chức quản lý đất đai đang đặt câu hỏi về giá trị pháp lý tờ trình của UBND phường Nghĩa Đô năm 2005 gửi Phòng Tài nguyên Môi trường quận Cầu Giấy và trách nhiệm của Phòng Tài nguyên Môi trường quận Cầu Giấy khi thẩm định hồ sơ vụ việc trên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.