“U già” của 10 kỳ Hoa hậu

Bà Hoa (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng nghiệp trong ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.
Bà Hoa (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng nghiệp trong ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.
TP - Bắt đầu từ cuộc thi Hoa hậu đầu tiên năm 1988, bà Chu Thúy Hoa đã cùng lúc đảm đương hai vị trí: phụ trách thí sinh và làm thư ký cho ban giám khảo. Ðây là bộ phận tiếp xúc nhiều nhất với thí sinh, đặc biệt là trong những sinh hoạt thường nhật không có make up, đèn flash và đầm dạ hội.

May về muộn mới đón được Mai Phương Thúy

Khi chưa về hưu, bà Chu Thúy Hoa làm việc tại Ban bạn đọc của báo Tiền Phong. Đây là bộ phận được giao tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh cả nước. Thời điểm những năm 90, chưa có đăng ký online, bà Hoa là người đầu tiên được tiếp xúc với thí sinh, cũng là người lọc hồ sơ giúp Ban tổ chức.

Bà kể: “Năm 2006 là năm cuối cùng tôi làm (công tác) hậu cần cho kỳ thi Hoa hậu, trước khi về hưu. Đến hạn chót đăng ký, tôi nói với các anh trong Ban tổ chức là yên tâm vì đã thấy nhiều gương mặt sáng giá. Thời ấy, thường là thí sinh tự đi đăng ký, cô nào đẹp, cao, mặt sáng… tôi đều được nhìn trực tiếp. Hôm ấy, tôi ở lại cơ quan muộn hơn bình thường, để chỉnh lý hồ sơ. Phải đến hơn 17h, một cô gái rất cao mới đến xin đăng ký thi Hoa hậu. Đó là Mai Phương Thúy. Tôi bị chiều cao và nụ cười của cô ấy thuyết phục, nên nhận thêm hồ sơ cuối cùng. Nếu hôm ấy tôi về sớm như mọi ngày, thì có thể đã bỏ lỡ Mai Phương Thúy”.

Mười năm ngồi trong phòng đo nhân trắc học, bà Hoa tổng kết: “Hoa hậu ngày càng đẹp và cao hơn. Nhớ năm đầu tiên, Hoa hậu Bùi Bích Phương chỉ cao 1m57, đến năm 2006, Mai Phương Thúy cao 1m79. Các thí sinh ngày càng tự tin và biết cách làm đẹp, nhưng cảm giác e dè, ngại ngần khi bước vào phòng đo nhân trắc học vẫn như vậy. Cũng may, trong suốt chừng ấy năm tôi chưa thấy thí sinh nào vì ngại đo nhân trắc mà bỏ thi”.

Nhiều thí sinh sau này thành công ở những lĩnh vực khác, vẫn nhắc “U Hoa” với sự trìu mến và biết ơn. MC Nguyễn Ngọc Oanh (Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu năm 2000) khi hỏi thăm các thành viên Ban tổ chức luôn nhắc đến “U Hoa” với cảm thán: “Trông mặt cô hiền lành thấy như bác mình ở nhà vậy. Lúc nào run quá, chỉ cần nghe cô chầm chậm bảo: đẹp lắm rồi, không cần phải run, thế là tinh thần chiến đấu lại lên cao hừng hực”.

Vừa quản lý thí sinh, vừa là thư ký ban giám khảo, phải ngồi trực tiếp trong phòng đo nhân trắc học, bà Chu Thúy Hoa thực chất như một “giám khảo ngầm” trong quá trình chấm Hoa hậu. Những ghi chép của bà về làn da, vóc dáng, cung cách ứng xử, đạo đức… của thí sinh là một tài liệu quan trọng giúp cho các giám khảo có thêm cái nhìn toàn diện và tỉ mỉ về những ứng viên cho ngôi vị Hoa hậu.

Những nhan sắc nổi bật

Bà Hoa bảo, về hưu rồi, mấy năm không làm sự kiện Hoa hậu, quên nhiều chuyện, nhưng có những vẻ đẹp, bà nhớ mãi. Ví dụ Nguyễn Thị Huyền. Khi Huyền bước vào phòng đo, tất cả bộ phận nhân trắc học đều ngẩn ngơ. Mặt Huyền rất sáng, các số đo đều đẹp. Mười người có đến chín khẳng định cô gái này nhất định sẽ vào top 10.

“U già” của 10 kỳ Hoa hậu ảnh 1

Bà Chu Thúy Hoa (ngoài cùng bên phải).

Thời gian đó, giám khảo thường làm việc trực tiếp cùng bà Chu Thúy Hoa là Tiến sĩ nhân trắc học Thẩm Hoàng Điệp. Bà Điệp là người kỹ tính, làm việc cẩn thận và “chính trực” (từ của bà Chu Thúy Hoa). Theo bà Hoa, những ghi chép trong phòng đo cũng được tính như văn bản chính thức để ban giám khảo chấm thí sinh. Bởi khi thí sinh mặc áo dài hoặc dạ hội gặp mặt Ban giám khảo, các nét đẹp tự nhiên về hình thể của họ đã được che đi, hoặc được quần áo nâng lên.

Trong ký ức của bà Hoa, Hoa hậu Hà Kiều Anh “có đôi chân đẹp hiếm thấy. Dài và thẳng, khác hẳn xu thế chân cong của phụ nữ Việt”. Hoa hậu Ngọc Khánh thì “miệng rộng, môi cong cong, đẹp kiểu Tây, rất giống Julia Robert”. Ngoài ra, “Vi Thị Đông lúc thi vô cùng rực rỡ”, “Tô Hương Lan cũng sáng”, “Nguyễn Thu Thủy lúc đó còn nhỏ nhưng có nét duyên”.

Đối với Hoa hậu Thu Thủy, bà Hoa còn có những kỷ niệm riêng. Bà và gia đình Thủy sống cùng trong khu tập thể Thanh Xuân, hai gia đình ngoài là đồng nghiệp (mẹ Thu Thủy và chồng bà Hoa học cùng đại học) còn có quan hệ họ hàng xa. Năm 1994, Thủy thích thi Hoa hậu nhưng bố mẹ không đồng ý, sợ con “mải chơi quên học”. Chính bà Hoa đến tận nhà nói chuyện với mẹ Thủy và đảm bảo “cuộc thi Hoa hậu của báo Tiền Phong rất nghiêm túc, đứng đắn”, cô mới được phép đi thi.

Ngoài nhan sắc, bà Chu Thúy Hoa cũng “bị nhớ lâu” những Hoa hậu có học vấn nổi bật. Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa lúc đi thi đã sắp tốt nghiệp đại học và biết hai ngoại ngữ. Bà Hoa nhận xét: “các Hoa hậu có học vấn cao thì đẹp lâu. Trình độ học vấn rất quan trọng, nó quy định cách ứng xử của người đó”.

Mệt nhưng vui

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đầu tiên có tên là Hoa hậu Hội Báo Tiền Phong tổ chức ở Nhà văn hóa Thanh niên Phạm Đình Hổ. Các cô gái cũng là lần đầu tiếp xúc với một cuộc thi nhan sắc nên chưa hình dung hết trình tự các bước. Những người làm công tác thí sinh như bà Hoa phải quan tâm từ bữa ăn, giấc ngủ của “đám trẻ ăn chưa no, lo chưa tới”. Bà kể: Chúng nó đi thi toàn mười mấy tuổi. Cô nào già dặn hơn cũng chỉ hơn 20, chỉ bằng tuổi con cháu nhà mình.

Thế là, giờ ăn phải giục, giờ ngủ phải nhắc, giờ tập đi, tập đứng, tập biểu diễn phải “hét”. Đầu tiên chúng nó còn sợ, sau đứa nào cũng nhờn, cứ cười hì hì xí xóa. Giai đoạn ấy, thi xong thường có biểu diễn thời trang. Cũng chưa có các bộ phận chuyên môn giúp đỡ nên cán bộ, nhân viên trong báo phải phân nhau làm các việc. Phụ nữ thì lo giúp thí sinh, đàn ông lo đi tổ chức, kê bàn ghế, làm những việc nặng… Rất mệt nhưng vui!

Những năm 90, các hoạt động giải trí không có nhiều, nên cuộc thi Hoa hậu có thể nói là một sự kiện văn hóa lớn ở Hà Nội. Chúng tôi chỉ là thành viên “quèn” của Ban tổ chức mà đi đâu cũng được săn đón, hỏi han, xin vé các thứ. Mấy năm sau, vé bán ra khá đắt, có người có tiền mà không mua được. Tôi nhớ có năm mỗi nhân viên của Báo được mấy đôi vé, vì người nhà đi vắng, không xem hết, tôi bán lại cho người khác. Tiền một đôi vé khi đó mua được hai cái chăn bông loại tốt, bây giờ nhà tôi vẫn dùng. Bọn trẻ con trong nhà gọi là “chăn Hoa hậu”. 

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.