Tỷ phú Bernie Ecclestone vừa tiết lộ một trong những quyết định cuối cùng của mình lúc còn giữ cương vị là Chủ tịch của Formula One Group, đơn vị sở hữu Giải đua Công thức 1, là từ chối đưa F1 đến Việt Nam, bất chấp thương vụ có thể mang về cho công ty đến 530 triệu đôla.
Ecclestone cho biết F1 có thể thúc đẩy du lịch Việt Nam và các nhà tổ chức đã sẵn sàng đẩy mạnh cho kế hoạch tổ chức Grands Prix vào mùa hè năm ngoái. Tuy nhiên, ông đã bác bỏ vì cho rằng Việt Nam ít có lịch sử liên quan đến môn đua xe này và đã có một số cuộc đua Grands Prix ở các nước lân cận.
“Năm ngoái, tôi đã được tiếp xúc về kế hoạch mang Grands Prix đến Việt Nam. Lẽ ra tôi có thể thực hiện thỏa thuận và tiến hành ký kết vào tháng tám. Tất cả mọi thứ đã được chuẩn bị nhưng tôi đã không làm vì chúng tôi đã có một số cuộc đua ở những nơi khác trên thế giới. Tôi nghĩ có thêm một cuộc đua nữa thì không phải là điều mong đợi của mình”, Ecclestone cho biết.
Vào tháng 1/2017, F1 đã được bán cho Công ty đầu tư Liberty Media (Mỹ) và tỷ phú Bernie Ecclestone đã nhanh chóng rời khỏi ghế lãnh đạo sau 40 năm dẫn dắt giải đua. Liberty Media cam kết hỗ trợ các cuộc đua hiện có của F1 nhưng công ty muốn có thêm Grands Prix tại Mỹ, nơi chỉ mới có một cuộc đua. Công ty này cũng chỉ trích chiến lược bán cuộc đua cho các nhà thầu cao khiến cho chi phí đăng cai tăng trung bình 25 triệu bảng Anh mỗi năm và lại còn đưa F1 đến những nơi xa xôi như Sochi (Nga), Abu Dhabi (UAE) và Azerbaijan.
Nói về thương vụ bất thành khi còn là ông chủ của F1, tỷ phú Bernie Ecclestone cho rằng mang cuộc đua Grands Prix đến Việt Nam là “bước đi quá xa” dù công ty có thể thu về 530 triệu đôla cho hợp đồng 10 năm.
“Không có lịch sử về đua xe nào ở đó cả. Vì vậy, tôi không muốn có thêm một cuộc đua trong cùng khu vực mà chúng tôi đã có những đơn vị quảng bá rất tốt. Tôi đã từng bị chỉ trích vì mang cuộc đua đến các nơi như Baku hay Nga, những nơi cũng không có nhiều lịch sử về đua xe”, vị tỷ phú này lý giải.
F1 đã có ba cuộc đua Grands Prix xung quanh Việt Nam, bao gồm Malaysia, Singapore và Trung Quốc. Vào năm 2010, đã có đề xuất về việc xây dựng một đường đua tiêu chuẩn quốc tế ở ngoại thành TP HCM nhưng cuối cùng kế hoạch này không thành. Một đường đua khác đã được xây dựng tại Long An nhưng chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quy định của FIA. Một vấn đề khác của Việt Nam là việc cho phép người dân tham gia cá cược các hoạt động như đua xe, đua chó, đua ngựa hay bóng đá quốc tế chỉ mới nới lỏng gần đây.
Ý tưởng mang F1 đến Việt Nam xuất phát từ ông Gianluca Di Tondo - Giám đốc thương hiệu toàn cầu của Heineken. Vào giữa năm ngoái, ông bày tỏ mong muốn quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh của F1 tại Châu Á - Thái Bình Dương. Khi được hỏi về quốc gia nào sẽ bổ sung vào danh sách tổ chức F1, Gianluca Di Tondo nhắm ngay đến Việt Nam.
“Đó là một quốc gia châu Á - Việt Nam. Chúng tôi được biết đến rất nhiều tại Việt Nam nhờ một đối tác địa phương và họ là khách của chúng tôi tại Monza, họ đã rất vui mừng. Vậy tại sao lại không có một cuộc đua F1 tại TP HCM?”.