Ông Lê Đức Vĩnh cho rằng, một kỳ thi được coi là thành công phải thể hiện ở các khâu ra đề phải chuẩn mực, tổ chức thi phải nghiêm minh đúng luật và chấm thi phải đảm bảo công bằng nghiêm túc.
“Chỉ một trong các khâu này có vấn đề kỳ thi phải được đánh giá là thất bại. Dựa trên tiêu chí này xét những gì đã xảy ra có thể kết luận kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm nay là thành công hay thất bại”- ông Vĩnh nói.
Ông Vĩnh cũng chia sẻ, hôm qua, ông đã ngờ ngợ về sự thất thường trong kết quả điểm thi môn toán của các thí sinh tỉnh Hà Giang. Vì chưa có thông tin đầy đủ nên không dám đưa ra nhận xét về kết quả này. Hôm nay, được biết cả nước có 76 thí sinh thi khối A1 gồm Toán Văn và tiếng Anh đạt 27 điểm trở lên, trong đó Hà Giang có 36 em.
“Với con mắt của một người dạy Thống kê và xử lý số liệu trong nhiều năm tôi có thể khẳng định rằng việc chấm thi trắc nghiệm tại Hà Giang là có vấn đề hay nói trắng ra là có gian trá”- ông Vĩnh khẳng định.
Ông Vĩnh chỉ ra, Hà Giang là một tỉnh biên giới nghèo, khó khăn vào loại bậc nhất trong cả nước về mọi mặt, trong đó giáo dục không là ngoại lệ. Theo ước đoán, xếp hạng chất lượng giáo dục của tỉnh này vào khoảng từ 55 tới 63. Vậy mà tỷ lệ số thí sinh khối A1 đạt 27 điểm trở lên của Hà Giang so với số thí sinh cùng loại trong cả nước là 46,27%. Đây là một con số cực kỳ phi lý.
Có hay không lỗ hổng trong chấm thi trắc nghiệm?
Ông Vĩnh cho rằng, không phải xem thường việc học của các em học sinh miền núi nhưng trong 14 em có điểm thi môn toán cao nhất nước thì Hà Giang có 3 em, trong khi đó Hà Nội chỉ có 1 em. Hơn nữa, số thí sinh ở Hà Giang chưa bằng 1/10 so với Hà Nội.
“Chỉ những con số này cộng với kết quả điểm thi khối A1 cũng đủ cho ta thấy việc chấm thi tại Hà Giang là có đáng tin hay không”- ông Vĩnh nói.
Vậy có lỗ hổng của việc chấm thi Trắc nghiệm hay không? việc chấm thi Trắc nghiệm do máy chấm nên sự gian trá là không có, có đúng không?: “Tôi cho rằng, nếu nhân viên máy tính thông đồng với cảnh sát lẫn thư ký hội đồng chấm thi cùng nhau sửa bài rồi mới đưa vào máy quét, điều này liệu có xảy ra hay không?’- Ông Vĩnh đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, theo ông Vĩnh, việc tìm ra sự gian trá trong chấm thi Trắc nghiệm là cực kỳ khó bởi việc tìm chứng cứ man trá trong chấm thi Trắc nghiệm ở nước ta là rất khó.
Ông Lê Đức Vĩnh cũng cho rằng, việc tổ chức thi Trắc nghiệm trong một xã hội không nghiêm túc là tiếp tay cho sự dối trá. Trong thi tự luận, người chấm dù “gan to” đến đâu cũng không dám chữa vào bài của học sinh bởi bài thi còn lưu lại vài năm.
“Thi Trắc nghiệm nếu ba người gồm: nhân viên máy tính, nhân viên cảnh sát và thành viên hội đồng chấm thi bắt tay với nhau sửa bài thì có trời mới phát hiện ra. Xác suất hiện tượng sửa bài của Hà Giang xấp xỉ 100%”- ông Vĩnh nhận định.
Tuy nhiên, cũng theo Ông Vĩnh, nếu Bộ GD&ĐT có ý định làm thì cũng có thể làm được.
“Chẳng hạn chúng ta có thể mời viện khoa học hình sự lấy mẫu than bút chì ở tất cả các câu của 36 thí sinh đạt trên 27 điểm xem có phải cùng một loại hay không. Cũng có thể qua cách tô khoa học hình sự có thể xác định xem đấy có phải là do một người tô hay không. Nhưng điều này cũng khó kết luận vì người ta sẽ nói thí sinh dùng hai loại bút chì và do tâm lý thi cử nên thí sinh có thể lúc tô nhạt, lúc tô đậm’- thầy Vĩnh nói.
Cũng theo thầy Vĩnh, công việc này gặp khó nếu người ta thay cả bài thi thì phương pháp này sẽ phải…“đầu hàng”.
Ông Vĩnh cũng chỉ ra cách khác là cho 36 thí sinh này làm một mã đề tương tự sẽ phát hiện ra có sự gian dối hay không.
“Tuy nhiên về mặt pháp lý cũng không thể kết luận có sự gian dối trong khi chấm trừ khi có thí sinh hoặc người chấm cắn rứt lương tâm tự nhận mình gian dối trước công luân. Có lẽ nên kêu gọi sự trung thực của các em học sinh là biện pháp hữu hiệu hơn cả”- ông Vĩnh nói.