Iraq khác xa Đài Bắc (Trung Hoa)
Ông nhận xét đội tuyển Việt Nam trong trận đấu với Iraq như thế nào, thưa ông?
Đầu tiên, tôi muốn nói giữa 2 đội vẫn còn có khoảng cách về mặt đẳng cấp, đặc biệt là về mặt thể lực. Iraq đá đơn giản thôi, nhưng họ phát huy đúng điểm mạnh của họ và đánh đúng vào điểm yếu của chúng ta, đó là họ cứ chuyền bóng dài và đua tốc độ, còn cầu thủ của ta theo một hồi thì hụt hơi và lúng túng. Đội tuyển Việt Nam tuy có lợi thế về tâm lý so với họ, nhưng xét về mặt trình độ thì lợi thế đấy chưa đủ để chúng ta vượt qua họ. Dù sao, với việc tập trung mới vài tuần mà thua Iraq 1 bàn cũng là chấp nhận được.
Và cũng không thấy đội tuyển của HLV Nguyễn Hữu Thắng có những pha phối hợp nhóm nhỏ như trong trận đấu với Đài Bắc (Trung Hoa)?
Đá như thế nào thì còn tùy thuộc vào đối thủ của mình là ai nữa chứ! Như tôi đã từng nói sau trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Đài Bắc, trận đấy đối phương yếu quá nên chúng ta dễ đá, rồi chiến thắng đậm trước Đài Bắc cũng chưa phản ánh được gì nhiều về đội tuyển Việt Nam. Trận này thấy rõ là đã khác, với một đội mạnh, có trình độ tốt hơn Đài Bắc, chúng ta mất hẳn những pha ban bật nhóm nhỏ.
Ông có thể nói rõ hơn điểm vừa nêu, chúng ta không kiểm soát bóng trong trận đấu này là do chúng ta chủ trương không giữ bóng nhiều như trong trận gặp Đài Bắc, hay đối phương không cho phép chúng ta kiểm soát bóng?
Đối phương không cho phép chúng ta kiểm soát bóng. Thật ra thì hàng tiền vệ của chúng ta, nhất là các cầu thủ của HA Gia Lai khi gặp đội bình thường thì đá hay, nhưng với những đội có trình độ thì không đá được. Họ có trình độ cao, họ áp sát gây sức ép cho cầu thủ của ta, tự động những Tuấn Anh, Xuân Trường không thể kiểm soát bóng, tự động sẽ chuyền hỏng. Đấy cũng chính là lý do mà họ lần lượt phải rời sân giữa chừng.
... đó là không đủ thể lực để theo kịp tốt độ trận đấu.
Thể lực không theo kịp các trận cầu đẳng cấp cao
Đấy cũng là lý do mà đội tuyển Việt Nam mất hoàn toàn tuyến giữa trước Iraq?
Một phần là vì vậy, các cầu thủ trẻ như Tuấn Anh, Xuân Trường cần thêm bản lĩnh trận mạc và kinh nghiệm để vững vàng hơn về mặt tâm lý. Phần khác, theo tôi, chúng ta lép vế vì đầu tiên thể lực của chúng ta không theo kịp tốc độ của trận đấu.
Có thể thời gian tập trung chỉ vài tuần lễ ngắn ngủi khiến chúng ta chưa có điều kiện để đạt trạng thái thể lực ưng ý. Nhưng nếu về lâu về dài, thể lực vẫn không được cải thiện, thì đội tuyển không đi đến đâu được đâu! Ở trận này, Iraq cũng chưa phải là đội đạt thể lực tốt, thế mà họ đã lấn lướt hoàn toàn so với chúng ta. Đặt trường hợp đối đầu với các đội có lối chơi nhanh hơn nữa, như Hàn Quốc hay thậm chí Thái Lan, chúng ta còn mệt hơn nhiều.
Để so sánh đội tuyển ở trượt lượt về vừa diễn ra với đội tuyển của HLV Miura tại trận lượt đi, cũng trước Iraq, ông đánh giá thế nào?
Ở trận lượt đi, chúng ta chơi cân bằng hơn, chủ động hơn. Sự chủ động nằm ở chỗ các pha phản công của chúng ta rõ nét hơn, các pha tấn công cũng tốt hơn. Có thể hồi đấy Iraq vẫn là đội giữ được nhiều bóng, nhưng điểm mấu chốt là chúng ta khi đó vẫn hướng trận đấu theo ý mình, còn bây giờ thì không. Có lẽ hồi trận lượt đi, thể lực của đội tuyển Việt Nam cũng theo kịp tốc độ chung, nên có sự chủ động.
Dù sao thì đây cũng là bài học quý cho đội tuyển. Tôi cho rằng bài học lớn nhất nằm ở vấn đề thể lực, đội tuyển Việt Nam dứt khoát phải cải thiện thể lực.
Xin cảm ơn ông!