Chương trình, phương pháp học có nhiều thay đổi so với chương trình trước đó như: xuất hiện các môn tích hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Lịch sử - Địa lý; hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá cũng được đổi mới. Nhiều người kỳ vọng, phương án thi mới vừa không quá gây áp lực cho học sinh vừa đánh giá sát đổi mới dạy học.
Học sinh lớp 9 năm nay sẽ dự thi lớp 10 theo chương trình mới |
Hiện phụ huynh, học sinh lớp 9 năm nay mong chờ phương án kỳ thi vượt cấp THPT để có lộ trình học tập, ôn luyện, bổ sung kiến thức, kỹ năng theo dạng đề, môn thi của chương trình mới.
Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có tỉnh Quảng Nam công bố phương án thi 3 môn (Văn, Toán, Ngữ văn) kết hợp đánh giá quá trình học tập để tuyển sinh đầu cấp.
Ngoài ra, Hà Nội và TPHCM cũng công bố cấu trúc đề minh họa các môn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Sở GD&ĐT TPHCM công bố cấu trúc đề minh họa chỉ có 3 môn (Văn, Toán, Ngoại ngữ), còn Sở GD&ĐT Hà Nội công bố bộ đề minh họa tới 7 môn. Hà Nội hiện cũng chưa đưa ra phương án thi tuyển lớp 10 THPT năm học tới.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ đã có những bước chuẩn bị để sớm ban hành hướng dẫn địa phương thực hiện, với quan điểm chung là quy định về nguyên tắc, tạo khung để thống nhất trong quản lý, chỉ đạo trên toàn quốc; đồng thời phân cấp cho các địa phương thực hiện phù hợp với thực tế.
Tháng 9, Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa ra kế hoạch cơ bản giữ ổn định với 3 môn thi gồm: Toán, Văn, tiếng Anh. Ngữ văn vẫn theo hình thức tự luận.
Ngoài ra có sự điều chỉnh hình thức thi đối với môn Toán, môn tiếng Anh là kết hợp trắc nghiệm và tự luận.
Cụ thể, toán trắc nghiệm chiếm 30%, tự luận chiếm 70%; tiếng Anh kết hợp thi trắc nghiệm và thi viết, trong đó thi trắc nghiệm chiếm 60% tổng điểm, thi viết 40%. Riêng phần thi viết có sự xuất hiện của nội dung nghe.
Đối với các môn tích hợp, thí sinh thi lớp 10 chuyên cũng sẽ có sự điều chỉnh phù hợp với mạch kiến thức ở các chủ đề tương ứng. Theo đại diện Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu, địa phương vẫn phải chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT mới có thể công bố phương án thi chính thức.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng Trần Nguyễn Minh Thành cho hay, Sở chưa công bố phương án thi vì vẫn phải chờ Bộ GD&ĐT có hướng dẫn chung làm căn cứ xây dựng phương án trình UBND thành phố.
Học sinh làm quen cấu trúc đề thi
Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn, quận Đống Đa (Hà Nội), chia sẻ, vì năm đầu tiên thi theo chương trình mới nên học sinh và phụ huynh đều rất quan tâm, lo lắng về phương án thi, thi bao nhiêu môn. Học sinh mong ngóng phương án thi để có kế hoạch học tập, chuẩn bị tâm thế cho kỳ thi với nhiều điểm mới.
Bộ GD&ĐT vẫn đang lấy ý kiến các Sở GD&ĐT góp ý về Dự thảo sửa đổi Quy chế tuyển sinh THCS - THPT thay thế cho thông tư hiện hành, trong đó có lấy ý kiến về môn thi tuyển sinh vào lớp 10.
Cụ thể, về phương thức tuyển sinh THPT, sẽ gồm xét tuyển và thi tuyển. Trong đó, căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và học tập bậc THCS. Học sinh lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Về thi tuyển, Bộ GD&ĐT đưa ra phương án số lượng môn thi là 3 môn, gồm: Toán, Ngữ văn và một môn thi do Sở GD&ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở như: tiếng Anh, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử… Môn thi được bốc thăm phải công bố trước ngày 31/3 hằng năm.
Theo đại diện một sở GD&ĐT, nếu Bộ GD&ĐT đưa ra hướng dẫn các địa phương tổ chức thi tuyển lớp 10 môn Toán, Ngữ văn và có thể bốc thăm chọn môn thi thứ 3 sẽ đảm bảo được chất lượng dạy học đồng đều tất cả các môn ở bậc THCS, nhưng xác suất thi môn tiếng Anh sẽ rất thấp.
Trong khi đó, mục tiêu đưa ra là dần dần từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Vì vậy, việc tăng cường dạy học đi liền với kiểm tra, thi cử là cần thiết.