Tuyển sinh ĐH năm 2024: Bất ngờ điểm chuẩn

TPO - Tính đến hôm nay, 19/8, các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) gần như hoàn thành công bố điểm chuẩn tuyển sinh đợt 1 cho thí sinh. Năm nay, điểm chuẩn tiếp tục có bất ngờ.

Hai ngành học có điểm chuẩn cao nhất năm 2024 trên toàn quốc là Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với 29,30/30 điểm, trung bình gần 9,8 điểm/môn thi. Đó là chưa kể với ngành Sư phạm Lịch sử, thí sinh vừa phải đạt điểm 29,3 vừa phải đặt nguyện vọng 1 mới trúng tuyển. Các ngành còn lại cũng rất cao như Sư phạm Địa lí có điểm chuẩn 29,05/30 điểm.

Tuyển sinh ĐH năm 2024: Bất ngờ điểm chuẩn ảnh 1

Trong khi đó, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ sử dụng 2 tổ hợp là C00 (Văn, Sử, Địa), D01 (Văn, Toán, Anh) đối với ngành Sư phạm Ngữ văn và C00, D14 (Văn, Sử, Anh) với ngành Sư phạm Lịch sử. Điểm chuẩn của 2 ngành này năm nay tăng khoảng 0,88-2,9 điểm, tùy tổ hợp so với năm 2023. Trường cũng dành tỉ lệ lớn chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này như ngành Sư phạm Ngữ văn là 50/ 70 chỉ tiêu; Sư phạm Lịch sử là 22/31 chỉ tiêu.

Điều bất ngờ là một số ngành sư phạm tưởng “ế” nhưng năm nay điểm chuẩn cũng vọt lên khá cao như Giáo dục Quốc phòng và An ninh 28,26/30 điểm, Giáo dục đặc biệt 28,37/30 điểm cao hơn điểm chuẩn ngành Sư phạm Toán 27,68/30 điểm. Trong nhóm ngành đào tạo giáo viên của trường, Sư phạm Mỹ thuật có điểm chuẩn thấp nhất là 22,69 điểm, nhưng đã tăng 4,39 điểm so với năm 2023.Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có hai hệ đào tạo là cử nhân và giáo viên. Cùng một ngành nhưng điểm chuẩn hệ sư phạm cao hơn hẳn hệ cử nhân, ví dụ như ngành cử nhân Toán học thấp hơn ngành Sư phạm Toán học hơn 1 điểm.

Điểm chuẩn ngành đào tạo giáo viên ở các trường ĐH khác cũng thuộc top cao trong các ngành của trường và trên cả nước như tại Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) ngành Sư phạm Ngữ văn có điểm chuẩn là 28,83/30 điểm; ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lí là 28,58/30 điểm; ngành Giáo dục Tiểu học là 28,42/30 điểm trong khi các ngành cử nhân khác của trường điểm chuẩn chỉ 15 - 16/30 điểm. Các ngành sư phạm của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng từ 25, 57 – 28,83/30 điểm trong khi các ngành đào tạo cử nhân chỉ 15,25 – 26,68/30 điểm.

Bình thường hay bất thường

Điểm chuẩn nhóm ngành sư phạm cao đã được các chuyên gia tuyển sinh dự báo từ trước đó dựa trên các nguyên nhân: số lượng thí sinh đăng kí tăng vọt, trong đó xét theo nguyện vọng đăng kí thì đào tạo giáo viên năm nay tăng 85%; chỉ tiêu giảm do nhu cầu thực tế đặt hàng của địa phương. Bên cạnh đó, phổ điểm môn Ngữ văn năm nay ở mức cao không tưởng nên những tổ hợp có sử dụng môn Ngữ văn đều thống trị bảng xếp hạng điểm chuẩn năm nay như tổ hợp C00, D01, D14. Các ngành từ 28 điểm trở lên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Hồng Đức đều là những ngành có tổ hợp xét tuyển là 3 tổ hợp trên.

Ở Trường ĐH Nha Trang, các ngành Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Lịch sử - Địa lí sử dụng tổ hợp C00 có điểm chuẩn trên 27 điểm, các ngành khác sử dụng các tổ hợp khoa học tự nhiên như Toán, Lí, Hóa, Sinh, điểm chuẩn thấp hơn từ 1 đến 4 điểm.

Ngành Trung Quốc học của Học viện Ngoại giao có điểm trúng tuyển cao nhất ở mức 29,2 ở tổ hợp C00 trong khi các tổ hợp khác chỉ 26,2 và 27,2 điểm.

"Nếu có thể, chúng ta cần phân hóa đề thi cao hơn nữa, để không chỉ xét tốt nghiệp THPT mà còn nhất cử lưỡng tiện, giúp các trường ĐH xét tuyển đầu vào, nhất là các trường ĐH ở top trên", GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đề xuất.

Thống kê từ phổ điểm tổ hợp C00 mà Bộ GD&ĐT công bố trước đó cho thấy, có trên 160 nghìn thí sinh đạt từ 24 điểm trở lên, cao gấp 3,8 lần năm 2023 và gần 2,7 lần năm 2022. Ở mức điểm cao từ 27 điểm, năm nay có gần 29 nghìn thí sinh đạt, cao gấp 11 lần năm 2023 và 6,8 lần năm 2022. Ở mốc điểm 28 thì năm nay tăng gấp10 năm ngoái, năm nay có 7.620 em, năm ngoái là 740 em đạt được. Ở các mốc điểm cao hơn nữa, từ 29,25 điểm trở lên, mọi năm số lượng đếm đầu ngón tay, năm nay cả nước có 380 em đạt từ 29,25 điểm (năm ngoái chỉ có 7 em).

Điều này là nguyên nhân cho thấy điểm chuẩn tổ hợp C00 năm nay tăng chóng mặt nhất là ở những trường top giữa.

Ví dụ tại Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, ngành Báo chí điểm chuẩn lên tới 28,9/30 điểm đối với tổ hợp C00 và thấp hơn 1 điểm (27,9/30 điểm) đối với tổ hợp còn lại có sử dụng môn Ngữ văn. Điểm chuẩn năm trước ngành này tổ hợp C00 là 26,85 điểm, thấp hơn trên 2 điểm so với năm nay. Hay như ngành Quản lí văn hóa – Quản lí di sản văn hóa điểm chuẩn năm 2023 ở tổ hợp C00 thấp hơn năm nay 4,5 điểm.

Năm nay, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội có 6/18 ngành điểm chuẩn tổ hợp C00 từ 23,85 - 26,98/30 điểm. Các ngành còn lại có điểm chuẩn trên 27, nên dù có đạt được 9 điểm mỗi môn thí sinh không có điểm cộng ưu tiên vẫn không có cơ hội trúng tuyển.

Dù không tuyển tổ hợp C00 nhưng ngành Quan hệ công chúng,Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tuyển hai tổ hợp C03 (Văn, Toán, Sử) và C04 (Văn, Toán, Địa) và có điểm chuẩn cao nhất trường 28,18, cao hơn các ngành đào tạo kinh tế chủ lực của trường. Điểm chuẩn của ngành này năm trước là 27,2 điểm.

Có thể thấy, khi còn kì thi 3 chung, việc tuyển sinh ĐH đối với những tổ hợp thuộc nhóm Khoa học Xã hội như C00, D01 điểm chuẩn thường thấp hơn so với các tổ hợp nhóm Khoa học Tự nhiên như A00 (Toán, Lí, Hóa), A01 (Toán, Lí, Anh), B00 (Toán, Hóa, Sinh). Điểm tuyệt đối cũng thuộc về các môn khoa tự nhiên nhiều hơn.

Nhưng khi kì thi 3 chung hết vai trò lịch sử, kì thi THPT quốc gia, kì thi tốt nghiệp THPT gánh trong đó 2 nhiệm vụ thì điểm thi các môn Khoa học Xã hội lại đổi ngôi khiến nhiều chuyên gia choáng váng, bất ngờ.

Có lần GS.TSKHN Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định việc sử dụng kết quả kì thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH chỉ là phương án tạm thời vận dụng để xét tuyển ĐH trong thời điểm giao thời. Với tình hình đề thi và kết quả điểm chuẩn cho thấy, điểm thi THPT ngày càng tỏ ra không thật sự phù hợp để phân loại học sinh giỏi, xuất sắc nhằm mục tiêu xét tuyển ĐH, nhất là với các ngành hot, trường hot.

MỚI - NÓNG
'Mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước'
'Mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước'
TPO - Theo ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước; trở thành biểu tượng của lòng yêu nước quả cảm, sức mạnh phi thường, mong muốn hoà bình và khát vọng cháy bỏng giành lại nền độc lập của nhân dân Việt Nam.