Tuyển sinh đại học năm 2025: Tổ hợp truyền thống chiếm ưu thế

TP - Từ năm 2025, một số môn học mới xuất hiện trong kì thi tốt nghiệp THPT. Trường đại học (ĐH) điều chỉnh số lượng tổ hợp tuyển sinh sẽ tác động tới việc thí sinh lựa chọn 2 môn thi tốt nghiệp THPT tự chọn trong tổng số 4 môn thi. Từ năm 2025, số tổ hợp giảm, song những tổ hợp chính vẫn tồn tại, nên không ảnh hưởng quá lớn tới thí sinh và các trường ĐH xét tuyển.
Tuyển sinh đại học năm 2025: Tổ hợp truyền thống chiếm ưu thế ảnh 1
Tân sinh viên nhập học ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2024. Ảnh: Nghiêm Huê

Phương án tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT cho thấy, thí sinh bắt buộc thi môn Ngữ văn, Toán học và tự chọn 2 môn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Như vậy, từ năm 2025, thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được giảm 2 môn so với kì thi tốt nghiệp THPT hiện nay; bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) không còn. Đây cũng là lần đầu tiên Tin học và Công nghệ trở thành môn thi tốt nghiệp. Như vậy, 2 môn thi bắt buộc và 9 môn thi tự chọn, năm 2025 có 36 tổ hợp xét tuyển ĐH thay vì hàng trăm tổ hợp như từ năm 2024 trở về trước. Với những môn học mới ở Chương trình phổ thông 2018, các trường ĐH có thể sẽ phải xây dựng thêm một số tổ hợp xét tuyển khác nếu vẫn muốn tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT

PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, với những thay đổi này, nhà trường sẽ phải nghiên cứu để lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp với phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT. Thời gian qua, ĐH Bách khoa Hà Nội sử dụng 2 tổ hợp A00 (Toán, Lí, Hóa) và A01 (Toán, Lí, Anh) để tuyển sinh. Thời gian tới có thể thí sinh tham gia thi các tổ hợp này giảm hoặc không có nhiều nên nhà trường sẽ nghiên cứu sử dụng thêm các tổ hợp mới. Ông Hải cho hay, từ năm 2025, tỉ lệ chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp để tuyển sinh có thể giảm xuống còn 40% (năm 2024 tỉ lệ này là 50%). Để đảm bảo công bằng cho thí sinh, kì thi đánh giá tư duy từ năm 2025 sẽ tiếp tục được ĐH Bách khoa Hà Nội mở rộng điểm thi ở vùng cao ở khu vực Tây Bắc, vùng sâu vùng xa để thí sinh dễ dàng di chuyển đến dự thi.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết năm 2025, trường chỉ xét tuyển 4 tổ hợp là A00, A01, D01 (Toán, Văn, Anh) và D07 (Toán, Hóa, Anh); không xét tuyển các tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh), C03 (Toán, Văn, Sử), C04 (Toán, Văn, Địa lí), D09 (Toán, Anh, Sử), D10 (Toán, Anh, Địa) như năm 2024 trở về trước. Đồng thời, trường này giảm thêm chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT từ 18% năm 2024 xuống còn 15% năm 2025. Phần chỉ tiêu này được nhà trường đưa vào phương thức xét tuyển riêng theo đề án của trường từ 80% năm 2024 lên 83% năm 2025.

Một điểm mới nữa là thay đổi phương thức tuyển sinh các ngành chất lượng cao. Từ năm 2025, thí sinh xét tuyển ngành chất lượng cao như các ngành chuẩn khác. Điểm chuẩn được công bố ngay từ đầu, thí sinh không có cơ hội chuyển ngành như hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp năm 2025. Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT hoàn thiện các quy định về tuyển sinh theo hướng tăng cường công khai, minh bạch, công bằng, tin cậy, giảm áp lực và tạo điều kiện cho học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề phù hợp năng lực của học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; các cơ sở đào tạo sớm hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh năm 2025 và các năm tiếp theo.

Không bị động

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, mỗi ngành học được xét tuyển tối đa 4 tổ hợp; mỗi tổ hợp bao gồm 3 môn thi. Định hướng chung là ngoài 2 môn bắt buộc, các môn tự chọn sẽ được trường cân nhắc đưa vào phù hợp với đặc thù đào tạo ngành học. Ví dụ, với nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật, cần ít nhất 2 môn học có trong tổ hợp xét tuyển là Toán và Lí. Với nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn, cần có môn Ngữ văn, nhóm ngành Y cần môn Sinh học, nhóm ngành Dược cần môn Hóa học. Cách thức tuyển sinh của trường ĐH không chỉ phục vụ việc tuyển chọn mà còn cần phù hợp với chương trình đào tạo và có độ phủ đủ rộng để tạo cơ hội tham gia xét tuyển cho người học.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội, chia sẻ, đầu năm học, nhà trường tổ chức khảo sát nguyện vọng đăng kí môn thi tự chọn của học sinh; môn thi được đông thí sinh lựa chọn nhất là Ngoại ngữ, tiếp đến là Vật lí, Giáo dục Kinh tế pháp luật, Hóa học. Có 2 môn học sinh Trường THPT Việt Đức không chọn là Công nghệ Công nghiệp và Tin học. Từ kết quả khảo sát, bà Quỳnh đánh giá học sinh vẫn lựa chọn xét tuyển các tổ hợp truyền thống như A01, D01, B00 hay D07.

MỚI - NÓNG