Tuyến phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Gai, Lương Văn Can… nằm trong khu vực phố cổ Hà Nội vốn được mệnh danh là tuyến phố “kim cương” bởi bất động sản mặt phố ở khu vực này có giá lên đến cả tỷ đồng/m2, đắt ngang ngửa Tokyo, New York... Tại đây hoạt động kinh doanh luôn sầm uất, mặt bằng trống hở ra có người thuê.
Một ngôi nhà 2 tầng nằm trên phố Hàng Ngang có mặt bằng 160m2 vẫn chật vật tìm khách thuê nhà. Chủ nhà cho biết, giá thuê cả ngôi nhà là 200 triệu đồng/tháng và miễn phí tiền thuê tháng đầu để hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch. Thế nhưng, tấm biển “cho thuê nhà” đã được căng lên từ lâu nhưng vẫn chưa có người thuê, hiện người dân đang tận dụng mặt bằng để bán quần áo.
Đi dọc dãy phố Hàng Đào, Hàng Ngang... sẽ luôn bắt gặp những tấm biển treo cho thuê như thế này. Đây là khu vực có mức giá thuê mặt bằng cao nhất tại Hà Nội, khi giá thuê lên đến vài chục triệu, thậm chí vài trăm triệu đồng/tháng tùy từng diện tích hay thuê nguyên căn.
Hàng loạt cửa hàng tại những tuyến phố kinh doanh nhộn nhịp trước đây hiện vẫn "cửa đóng then cài" sau 1 tuần nới lỏng cách ly xã hội.
Với mặt tiền rộng rãi, nằm ở vị trí đắc địa thuận tiện để kinh doanh nhưng giờ chủ nhà khó tìm được khách thuê trong thời điểm này.
Ngoài khu vực phố cổ, những con đường mua sắm như Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa), phố Huế, Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng),... cũng đang chịu cảnh mặt bằng bị trả hàng loạt và đang treo biển cho thuê nhà, sang nhượng cửa hàng.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo, do ảnh hưởng của dịch bệnh, phân khúc bất động cho thuê, mặt bằng, cửa hàng sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn vì kén người thuê. Vì vậy, để thu hút khách thuê, chủ nhà nên có biện pháp hỗ trợ giảm giá từ 10% đến 20% so với giá cuối năm 2019 hoặc linh hoạt cho thuê theo diện tích khách thuê mong muốn, thay vì bắt buộc thuê nguyên căn. Đối với các nhà phố đang cho thuê, nhiều chủ nhà nên chấp nhận miễn phí ít nhất 1 tháng thuê, hoặc giảm 30 - 50% cho khách hàng mới kèm theo điều kiện tăng giá sau 1 thời gian.