Giám đốc cơ quan tình báo đối ngoại Nga Sergei Naryshkin. (Ảnh: Reuters) |
Tuần trước, ông Macron cho biết châu Âu chưa đồng thuận về việc gửi quân đến chiến đấu ở Ukraine, nhưng không thể loại trừ điều gì. Mỹ và các thành viên châu Âu khác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau đó cho biết không có kế hoạch gửi quân đến chiến trường này.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất trong quan hệ của Mátxcơva với phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo phương Tây có nguy cơ kích động một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu nước này gửi quân đến chiến đấu ở Ukraine.
Khi được hỏi về phát biểu của ông Macron, ông Sergei Naryshkin, giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR), cho rằng “cực kỳ vô trách nhiệm”.
“Điều này cho thấy mức độ vô trách nhiệm chính trị cao của các nhà lãnh đạo châu Âu ngày nay, trong trường hợp này là tổng thống Pháp. Những tuyên bố này cực kỳ nguy hiểm”, ông Naryshkin nói với đài truyền hình nhà nước ngày 5/3.
“Thật buồn khi thấy điều này, buồn khi quan sát và buồn khi hiểu rằng khả năng đàm phán của giới tinh hoa hiện tại ở châu Âu và Bắc Đại Tây Dương đang ở mức rất thấp. Họ ngày càng hiếm khi thể hiện bất kỳ ý thức chung nào”, ông Naryshkin nói.
Nga và Mỹ sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Tổng thống Joe Biden cảnh báo rằng xung đột giữa Nga và NATO có thể gây ra Thế chiến thứ 3.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, các nhà lãnh đạo phương Tây khẳng định sẽ giúp Ukraine đánh bại quân Nga trên chiến trường và khiến Nga phải rút quân. Với sự giúp đỡ của phương Tây, Ukraine giành lại những vùng lãnh thổ rộng lớn trong năm 2022.
Tuy nhiên, chiến dịch phản công của Kiev từ giữa năm 2023 không thể chọc thủng phòng tuyến kiên cố của Nga và các lực lượng Nga đẩy mạnh tấn công ngay khi sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Kiev đang bế tắc vì mâu thuẫn chính trị trong nước.