Tướng Sùng A Hồng nói gì về đề nghị truy tố mẹ 'nữ sinh giao gà'?

Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên
Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên
TPO - Chiều 1/11, trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên xác nhận, cơ quan CSĐT Công an tỉnh này đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án "Mua bán trái phép chất ma túy".

Theo kết luận điều tra, bà Trần Thị Hiền (44 tuổi, mẹ nữ sinh Cao Mỹ Duyên bị sát hại ở Điện Biên) và 4 đồng phạm có hành vi "Mua bán trái phép chất ma túy". Cơ quan CSĐT công an tỉnh đã chuyển kết luận điều tra sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố đối với 5 bị can, gồm: Trần Thị Hiền, Vì Văn Toán, Vì Thị Thu, Bùi Văn Công, Lường Văn Hùng, theo khoản 4 Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 1999, khung hình phạt từ 20 năm tù đến tử hình.

Đây là một vụ án buôn bán ma túy độc lập, không liên quan đến vụ án nữ sinh Cao Mỹ Duyên (con gái bà Hiền) bị sát hại.

Theo Tướng Hồng, bà Hiền biết con gái bị bắt cóc nhưng không khai báo với cơ quan công an, việc mua bán trái phép chất ma túy cũng vậy.

Cũng theo Giám đốc Công an Điện Biên, không phải riêng vụ án này mà tất cả các vụ án liên quan đến ma túy đều khó khăn trong việc khai thác, thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội. Sau khi thụ lý điều tra, bắt giữ các đối tượng liên quan đến vụ án giết hại nữ sinh Cao Mỹ Duyên, các đối tượng đã khai báo.

Trên cơ sở các tài liệu đấu tranh, công tác trinh sát của lực lượng công an đã xác định được bà Trần Thị Hiền có hành vi "Mua bán trái phép chất ma túy".

Khi cán bộ công an gặp gỡ, hỏi về việc con gái bị sát hại thì bà Hiền từ chối và "cơ quan điều tra hỏi nhiều thì bà ta đòi đi về". Thậm chí, bà Hiền còn “đánh lạc hướng” cơ quan điều tra, che giấu hành vi phạm tội của mình.

Giám đốc Công an Điện Biên cũng cho biết, do có đường biên giới dài giáp với Lào, Trung Quốc, gần với khu vực Tam giác vàng nên việc thẩm lậu ma túy vào trong nước qua địa bàn rất phức tạp. Quan điểm lực lượng công an tỉnh là nắm tình hình ma túy từ xa, phối hợp với lực lượng Biên phòng và các lực lượng chức năng đấu tranh phòng chống, ngăn chặn ma túy từ biên giới và giải quyết các tụ điểm trong nội địa một cách triệt để.

Theo bản kết luận điều tra vụ án nữ sinh giao gà bị bắt cóc, hãm hiếp và sát hại, Công an tỉnh Điện Biên đề nghị VKSND cùng cấp truy tố Vương Văn Hùng (SN 1984, HKTT: Khối Tân Thủy, huyện Tuần Giáo); Bùi Văn Công (SN 1975, trú tại Đội 11, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên); Phạm Văn Nhiệm (SN 1976, trú tại Đội 19, xã Thanh Nưa); Lường Văn Hùng (SN 1991, trú tại Bản Na Hí, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên); Lường Văn Lả (SN 1991, trú tại Bản Mển, xã Thanh Nưa); Phạm Văn Dũng (SN 1972 ở Đội 19 xã Thanh Nưa - anh trai Phạm Văn Nhiệm); Cầm Văn Chương (SN 1974 ở Đội 7, xã Hua Thanh); Bùi Thị Kim Thu (SN 1975, ở Đội 11, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên); Vì Văn Toán (SN 1982 ở Đội 5, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên).

 9 bị can bị truy tố với 6 tội danh: Giết người, Hiếp dâm, Cướp tài sản, Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, Tàng trữ trái phép chất ma túy và Không tố giác tội phạm.

Cơ quan chức năng xác định do bà Hiền nợ số tiền 300 triệu đồng để mua 2 bánh heroin của Toán từ năm 2009 trước khi Toán bị Công an huyện Điện Biên bắt về tội "Mua bán trái phép chất ma túy" và "Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy" đến nay vẫn chưa trả nên có ý định đòi bà Hiền phải trả số tiền này. Sau đó, Toán nhờ đồng bọn lên kế hoạch bắt cóc để đòi nợ bà Hiền.

Sau khi bắt cóc nữ sinh Cao Mỹ D., nhóm này nhiều lần thay nhau hiếp dâm nữ sinh, rồi sát hại, phi tang xác nữ sinh.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.