Chỉ vì bức tượng “Người đàn ông cúi đầu” được tân thị trưởng thành phố Namyangju (Hàn Quốc) ngỏ ý tặng cho TP Huế, đã làm lãnh đạo địa phương này bối rối không biết đặt “món quà” ở đâu cho hợp.
Thậm chí, những người có chuyên môn cũng không đồng nhất quan điểm. Trong khi nhiều họa sỹ cho rằng, tượng phù hợp đặt bên bờ sông Hương thì ông Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam có ý kiến ngược lại, tượng không phù hợp đặt nơi công cộng bởi không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam… (Cứ đà này những nhà điêu khắc đam mê đề tài nude cũng phải dè chừng, bởi “đàn con” sinh ra sẽ khó khăn tìm “đất” sống. Không phải ai cũng may mắn như cố điêu khắc gia chuyên nặn khỏa thân Lê Công Thành được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thời ấy đồng ý cho dựng “Mẹ Âu Cơ” khoe sắc bên biển).
Không chỉ những người có trách nhiệm hay giới chuyên môn mới quan tâm đến “Người đàn ông cúi đầu”. Dư luận cũng đang bàn luận sôi nổi, bởi suy cho cùng ở ta, đề tài nude vẫn luôn “ăn khách”.
“Bức tượng để chỗ nào cũng khó, kể là một quí ông quần áo đầy đủ thì dễ hơn”, một độc giả lên tiếng. Vài ý kiến hỏi giống nhau: “Khiêm nhường cúi đầu nhưng sao không mặc quần áo?”; “Không mặc quần áo mà gặp ai, chào ai. Trời!”…. Một vài độc giả hiến “kế”: “Có lẽ nên làm thêm bộ phận sinh dục sẽ dễ nhìn hơn?”.
Có người nhớ đến vụ vườn tượng 12 con giáp ở Đồ Sơn, Hải Phòng, sau khi bị dư luận ném đá, đơn vị quản lí đã mặc quần, mặc váy cho tượng. Vậy, để đỡ lúng túng có lẽ nên mặc thứ gì đó cho “Người đàn ông cúi đầu”? Người này hiến kế. Bởi mặc váy, áo cho tượng cũng không phải sự lạ chỉ có ở Việt Nam, hai nàng tiên cá ngực trần ở một công viên ở Jarkarta, Indonesia cũng buộc phải mặc áo để che “đôi gò bồng đảo” đó thôi, cho dù cứ mặc vào lại bị du khách kéo tụt áo và lấy đi mất.
Chúng tôi đem câu chuyện “Người đàn ông cúi đầu” hỏi điêu khắc gia Tạ Quang Bạo. Ông bình luận: “Tượng khỏa thân chẳng có tội lỗi gì. Do người ta vẫn chưa quen với nó thôi”. Theo Tạ Quang Bạo, tượng khỏa thân hay không khỏa thân không phải vấn đề để bàn, quan trọng là tượng đẹp hay không đẹp, bởi “Khỏa thân đạt chuẩn góp phần nâng tầm văn hóa lên”, điêu khắc gia nói. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đánh giá tượng “Người đàn ông cúi đầu” là một tác phẩm khỏa thân không theo phong cách hiện thực, tác giả đã đơn giản về khối điêu khắc, về tạo hình. Trước câu hỏi, “Một cách khách quan, ông thấy tượng “Người đàn ông cúi đầu” có đẹp không?”, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đáp: “Được. Tốt”.
Phải chăng một tác phẩm nghệ thuật có giá trị thì không cần quá băn khoăn để đâu mới xứng đáng? Còn nhớ, một lần hỏi chuyện một họa sỹ nổi tiếng, rằng: “Anh thích người ta treo tranh của anh ở đâu?”. Vị họa sỹ này tự tin: “Treo trong toilet”. Họa sỹ lí luận: “Một tác phẩm thực sự thì ở đâu cũng có giá trị của nó. Không phải ở chỗ nó được treo lên”.