"Idiocracy” ghép từ “idiot” (kẻ ngốc) và hậu tố “cracy” tạm hiểu là “thời đại ngu si”. Theo thời gian, xã hội loài người trong Idiocracy không hề văn minh tiến bộ hơn mà ngược lại. Lý luận của đạo diễn là những gia đình trí thức, thu nhập cao thường sinh ít hơn so với gia đình nghèo, ít học. Hậu quả: nguồn gen tốt dần mai một, và thế giới chẳng bao lâu sẽ tràn ngập những người trí tuệ thấp tè.
May quá, quân đội Mỹ lại nghĩ ra việc “trữ đông” nhân tài để sử dụng trong các trường hợp cần thiết. Họ thử cho hai người đầu óc ở mức trung bình (hẳn là để nếu thí nghiệm thất bại cũng không đáng tiếc) ngủ đông trong một năm. Nam là Joe Bauers- binh sĩ có thâm niên trông coi một thư viện không ai đến đọc. Nữ trong quân đội hiếm nên mượn tạm gái làng chơi Rita. Cô này cũng biết ngượng nên nói đại với Joe rằng mình là họa sĩ.
Hai hộp người đông lạnh bị bỏ quên, 500 năm sau tự động mở ra. Thí nghiệm thành công vượt mức mong đợi, đâm ra chẳng còn ai ở đó chào đón họ. Nước Mỹ đã trở nên sa sút đến độ rác rưởi tràn lan, lương thực khan hiếm, nhà cao tầng xiêu vẹo phải dùng dây chằng vào nhau cho khỏi đổ. Dân tình chỉ quan tâm đến ăn, ngủ và giải trí. Thế cho nên tổng thống da màu được dân bầu nguyên là đô vật 5 lần vô địch kiêm ngôi sao khiêu dâm. Để giữ hình ảnh, tổng thống không ngừng tập tạ ngay trong dạ tiệc của chính phủ. Nam MC lên hình không cần mặc áo để khoe cơ bắp, TV cũng chuyên có những kênh phục vụ nhu cầu giải tỏa riêng tư của nhân dân…
Phim là cuộc đấu trí giữa hai con người dưới trung bình với cả một xã hội chạm đáy. Rita dễ dàng thích nghi vì “chuyên môn” của cô vẫn giữ nguyên giá trị nếu không nói là có phần thặng dư trong kỷ nguyên Idiocracy. Tin tốt là dân Mỹ 500 năm sau chỉ ngu chứ không ác (để ác chắc cần phải khôn hơn một chút), nên một khi phát hiện ra Joe có khả năng biết 1+1=2, tức IQ cao nhất thế giới, họ đưa ngay anh vào bộ máy quyền lực để giải quyết các vấn đề quốc kế dân sinh trong thời hạn một tuần. Không xong, lập tức đem ra xử tử. Buổi tử hình biến thành sự kiện giải trí hấp dẫn kiểu trường đấu La Mã được truyền hình trực tiếp. Tinh hoa còn sót lại của nhân loại bị dồn vào đường cùng, thốt lên một câu khá quen: “Xã hội của các vị phát triển kiểu gì để đến nông nỗi đem xử tử kẻ chỉ muốn giúp các vị?” Một dạng nghịch lý đã trở thành “chân lý”?!
Dù mang trí tuệ “đi trước thời đại”, hai nhân vật chính vẫn đủ ngây thơ để tin vào sự hiện diện của cỗ máy thời gian trong một thế giới be bét như vậy. Joe căn dặn Rita: “Nếu trở về được quá khứ, tôi muốn cô nói với mọi người hãy chăm đọc sách và chịu khó học hành… Tôi từng lười đọc, không chịu làm những gì mình thực sự muốn. Thế giới thành ra như thế này là do những người như tôi”. Nhưng rồi họ đều nhận ra kể cả có chiếc máy đó thì cách tốt nhất vẫn là ở lại... Dù câu chuyện kết thúc thế nào thì vẫn nên nhớ rằng: Nguồn gen mà hai nhân tài của thời đại chúng ta mang tới xứ ngu si chỉ như muối bỏ bể.
Không phải cứ buồn cười là vui. Idiocracy có vài nét gần với hiện thực nước Mỹ đến nỗi hãng Fox không dám quảng bá mạnh hoặc cho chiếu rộng rãi, một phần vì sợ… động chạm khán giả. Chẳng hạn hiện có tới 1/3 số người Mỹ trưởng thành mắc chứng béo phì. Mà phim thì sử dụng khá nhiều diễn viên thừa cân. Thực tại chúng ta đang sống chỉ cần làm quá lên một chút là thành “idiocracy” ngay. Chẳng hạn dân tình ngày nay tỏ ra rất hiếu kỳ, say sưa muốn được chứng kiến tận mắt các vụ tai nạn. Thì anh chàng luật sư trong phim thấy cảnh sát bắn phá ô tô của kẻ tội phạm thì khoái quá quên cả đó chính là… xe của mình.
Thực ra xã hội càng phát triển, con người đứng trước nguy cơ càng trở nên thoái hóa cả về thể chất và trí tuệ. Ngay bây giờ chúng ta có thể sử dụng đủ mọi công nghệ tối tân khiến cho mọi sinh hoạt trở nên tiện dụng, mà chẳng cần hiểu tí gì về những nguyên lý phức tạp mình đang “làm chủ”.
Sức khái quát và tính biểu tượng của Idiocracy đã thu hút một lượng khán giả hâm mộ trung thành khiến nó trở thành một hiện tượng văn hóa, tức “cult film”.
Idiocracy đem lại kiểu cười lạ lùng chả giống phim nào. Thường các phim hài khác sẽ dành đất diễn cho một-hai nhân vật chính. Đằng này sự gây cười còn đến từ việc toàn bộ dàn nhân vật dù chỉ là quần chúng đều toát nên một vẻ ngô nghê thành thực, càng làm cho sự nghiêm nghị của hai nhân vật trở nên nực cười.