Tương đồng giữa sân bay Long Thành và Đại Hưng

Sân bay quốc tế Đại Hưng (Bắc Kinh) nhìn từ trên cao (ảnh chụp 14/6/2019) Ảnh: Xinhua
Sân bay quốc tế Đại Hưng (Bắc Kinh) nhìn từ trên cao (ảnh chụp 14/6/2019) Ảnh: Xinhua
TP - Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, suất đầu tư khoảng 15 tỷ USD/100 triệu hành khách cho Long Thành tương đương suất đầu tư của sân bay quốc tế Đại Hưng mà Trung Quốc mới đưa vào khai thác.

Dự án sân bay Long Thành và sân bay Đại Hưng có nhiều nét tương đồng về hoàn cảnh ra đời, quy mô, công suất, tổng mức đầu tư…

Sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh (BCIA) là sân bay nhộn nhịp thứ hai thế giới (sau sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta của Mỹ), nhưng cũng là sân bay tồi tệ nhất thế giới về độ hoãn chuyến bay, báo Hong Kong South China Morning Post đưa tin.

 BCIA có công suất thiết kế 85 triệu hành khách/năm. Năm 2018, sân bay này phục vụ 101 triệu lượt khách. BCIA được “chia lửa” từ cuối tháng 9/2019 khi sân bay quốc tế Đại Hưng (Bắc Kinh) đi vào hoạt động (công tác xây dựng hoàn thành hồi tháng 6). Giới chuyên gia dự báo, Đại Hưng sẽ trở thành sân bay nhộn nhịp nhất thế giới.

 Nằm ở phía nam Bắc Kinh, sân bay Đại Hưng có khả năng phục vụ 45 triệu hành khách vào năm 2021, khoảng 72 triệu hành khách vào năm 2025 và 100 triệu hành khách vào năm 2040 (cùng 4 triệu tấn hàng hóa). 

 Giai đoạn đầu Đại Hưng có 4 đường băng (theo kế hoạch là có tổng cộng 7 đường băng). Công suất ban đầu của sân bay là 300 chuyến bay cất, hạ cánh/giờ. Sân bay có tổng diện tích 47 km2, trong đó nhà ga chính chiếm 695.000 m2. Đây là nhà ga lớn nhất thế giới nhưng Trung Quốc chỉ mất 5 năm là xây xong toàn bộ sân bay đồ sộ này.

 Chi phí xây dựng Đại Hưng là 80 tỷ nhân dân tệ (11 tỷ USD). Tính cả các chi phí liên quan thì tổng số là khoảng 120 tỷ nhân dân tệ (16,5 tỷ USD). Sân bay được kiểm nghiệm lần đầu vào tháng 5/2019, rồi được kiểm tra tổng thể lần đầu vào tháng 7 với sự tham gia của hơn 6.000 người, gồm hơn 1.000 người trong vai hành khách.

 Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc nói rằng, Đại Hưng sẽ tạo ra 600.000 việc làm. Sân bay này cũng giúp Bắc Kinh gia nhập các thành phố có hai sân bay quốc tế tầm xa, gồm Tokyo, London, Paris và New York.

 Đại Hưng có bề ngoài giống con sao biển khổng lồ 6 tay, do cố kiến trúc sư Anh gốc Iraq Zaha Hadid thiết kế. Để thiết kế Đại Hưng, công ty của bà Hadid làm việc với công ty Pháp ADPI và Viện Thiết kế kiến trúc Bắc Kinh. Trong khi đó, Lead 8 ở Hong Kong thiết kế tòa nhà dịch vụ tích hợp. Theo bà Hadid, thiết kế của Đại Hưng bắt nguồn từ nguyên tắc kiến trúc truyền thống của Trung Quốc - các không gian kết nối với nhau quanh khu trung tâm.

 Thiết kế hình sao biển đem lại hiệu quả cao về không gian. Khoảng cách từ khu kiểm tra an ninh đến cổng ra máy bay xa nhất chỉ là 600m. Ngoài ra, việc làm thủ tục gần như tự động hoàn toàn. Khi xây dựng Đại Hưng, công nhân phát hiện một nghĩa địa đời nhà Thanh (1644-1911).

Nằm cách Quảng trường Thiên An Môn 46 km về phía nam, Đại Hưng xa trung tâm Bắc Kinh hơn là BCIA. Tuy nhiên, có thể đến hoặc rời sân bay mới bằng tàu điện trên cao hoặc tàu điện ngầm. Có một bến tàu bên dưới nhà ga chính của sân bay. Nơi đây được trang bị hơn 1.000 tấm đệm cao su chống sốc để giảm rung chấn.

Để đến Đại Hưng, hành khách có thể lên ga tàu điện ngầm Cao Kiều ở phía nam Bắc Kinh. Dự kiến, tuyến đường ra sân bay sẽ mở rộng ra phía bắc tới nhà ga ở khu phố tài chính của Bắc Kinh - nơi hành khách có thể làm thủ tục check-in ngay ở trung tâm thành phố. Tàu điện cứ 6 phút rưỡi lại có một chuyến với tốc độ lên tới 160 km/h. Trong khi đó, tuyến 20 kết nối Đại Hưng với Ga xe lửa Bắc Kinh và BCIA.

MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.