Tướng công an bảo kê đánh bạc: Bài học xương máu

TP - Tình trạng gian lận trong thi cử, vụ án đánh bạc nghìn tỷ có sự bảo kê của tướng công an, vụ Vũ “nhôm” liên quan nhiều vụ án… là những vấn đề “nóng”, được các đại biểu nêu chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm ngày 13/8 tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bài học lớn về công tác cán bộ

Chất vấn Bộ trưởng Công an, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói rằng cử tri rất bức xúc trước việc nhiều vụ phạm tội có tổ chức liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của một số sỹ quan, tướng lĩnh Bộ Công an thời gian qua. Trong đó, vụ Vũ “nhôm” là điển hình của việc cài cắm nhân sự, để từ đó lợi dụng chức vụ, quyền hạn Nhà nước trao cho để phạm tội. Đại biểu đặt câu hỏi, sau vụ Vũ “nhôm”, Bộ Công an đã rà soát, kiểm tra xem còn tổ chức kiểu Vũ “nhôm” hay không và Bộ có giải pháp nào để tránh tình trạng này trong thời gian tới?

Tướng công an bảo kê đánh bạc: Bài học xương máu ảnh 1

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Như Ý.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, vụ Vũ “nhôm” liên quan 5 vụ án, hiện đã khởi tố, điều tra và đưa ra xét xử vụ thứ nhất. Hai vị tướng công an liên quan, trong đó có người từng là lãnh đạo bộ cũng bị xử lý theo quy định của pháp luật. “Đây là bài học rất lớn trong công tác quản lý cán bộ và xử lý nghiệp vụ, lợi dụng hình thành các tổ chức bình phong, tạo điều kiện thuận lợi để vi phạm pháp luật”, Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Tướng công an bảo kê đánh bạc: Bài học xương máu ảnh 2

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Cho rằng, đây là bài học đắt giá đối với Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, chắc chắn sẽ không còn để tình trạng các đối tượng, tổ chức lợi dụng hoạt động tội phạm tương tự. “Chúng tôi đã có những giải pháp không để xảy ra những vụ việc tương tự như vụ Vũ “nhôm”. Bộ Công an đã rà soát và chấn chỉnh”, Bộ trưởng cho hay.

Đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) nêu chất vấn về việc tội phạm sử dụng công nghệ cao bị phát hiện ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt có một số cán bộ cấp cao trong ngành Công an lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ liên quan đường dây đánh bạc nghìn tỷ vừa bị triệt phá. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng về nguyên nhân, giải pháp cho vấn đề này.

Thượng tướng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã tập trung đấu tranh với vụ án đánh bạc trong thời gian dài. Sau đó, Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện ra các mảng của vụ án, và Bộ quyết định giao công an tỉnh này điều tra, phá án. “Đây là vụ án có liên quan đến nội bộ, cũng là bài học xương máu của chúng tôi. Nguyên nhân nằm ở chỗ cán bộ không chịu rèn luyện thường xuyên, bị cám dỗ của đồng tiền. Các cán bộ đó đã lợi dụng phương tiện kỹ thuật để phạm tội, có sự bảo kê, vì họ biết trong ngành ít lực lượng phát hiện ra được loại tội phạm tinh vi như vậy. Sau vụ án này, chúng tôi tiếp tục phá một số vụ án khác về tội phạm mạng nhưng không có sự liên quan đến lực lượng Công an, cũng giúp thu về cả nghìn tỷ đồng”, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.

Gian lận thi cử: Không để lọt bất kỳ ai

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu quan tâm vấn đề gian lận thi cử vừa qua. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu: Loại tội phạm gian lận trong thi cử vừa qua có gì mới không? Những năm trước có không và Bộ Công an có bất ngờ về loại tội phạm này? Giải pháp chống gian lận trong các kỳ thi tới ra sao? Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, chất vấn: Những vi phạm trong lực lượng công an địa phương nếu có thì sẽ được xem xét, xử lý ra sao?

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thời gian qua đã phối hợp lực lượng công an các địa phương, khởi tố 3 vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Đó là những người tham gia vào quá trình chấm thi, quản lý bài thi có vi phạm. Đây là thủ đoạn mới, rất tinh vi, lần đầu phát hiện ra trong năm 2018. Tuy nhiên, cũng không loại trừ có thể những năm trước đã xảy ra tình trạng gian lận trong thi cử.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an sẽ phối hợp Bộ GD&ĐT đưa ra quy trình quản lý, khép kín và không để sơ hở, bị lợi dụng trong quá trình thi cũng như khâu chấm thi. Trước sự vi phạm nghiêm trọng, gây mất lòng tin trong nhân dân, Bộ Công an sẽ kiểm tra, giám sát, kể cả sử dụng biện pháp kỹ thuật, phát hiện gian lận thi bằng khoa học kỹ thuật hiện đại. Người đứng đầu ngành Công an cũng khẳng định, không có vùng cấm, nếu phát hiện lực lượng trong ngành công an vi phạm cũng sẽ xử lý nghiêm.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chất vấn: Bao giờ sẽ kết thúc việc điều tra, Bộ Công an có mở rộng ra các tỉnh khác không và có mở rộng ra những năm trước không? Theo Bộ trưởng Tô Lâm, dù muốn kết thúc nhanh vụ án, nhưng phải vạch trần được tội phạm, nêu ra được những đối tượng vi phạm. Thời gian có thể 4 tháng, nhưng nếu chưa xong vẫn phải tiếp tục, không phải vì áp lực vào năm học mà kết thúc sớm.

Về phạm vi điều tra, ngoài 3 tỉnh phía Bắc, nếu phát hiện địa phương khác vi phạm vẫn tiếp tục xử lý, không có giới hạn. Về những năm trước, Bộ Công an sẽ phối hợp Bộ GD&ĐT xem xét, nếu có dấu hiệu vi phạm, sẽ tiếp tục điều tra, không để lọt bất kỳ ai liên quan gian lận thi cử. 

Ðây là bài học rất lớn trong công tác quản lý cán bộ và xử lý nghiệp vụ, lợi dụng hình thành các tổ chức bình phong, tạo điều kiện thuận lợi để vi phạm pháp luật. Chúng tôi đã có những giải pháp không để xảy ra những vụ việc tương tự như vụ Vũ “nhôm”.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm

Tội phạm tín dụng đen như cướp ngày

Trả lời chất vấn của đại biểu về tội phạm tín dụng đen, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, tội phạm này còn đất sống là do tiền nhàn rỗi trong dân rất lớn, nhu cầu tín dụng để sản xuất, kinh doanh của người dân cũng nhiều, trong khi các tổ chức tín dụng lại chưa đáp ứng được nhu cầu này. Có những tổ chức tín dụng đen hoạt động ngang nhiên như cướp ngày. Một số con nợ hoang mang, lo lắng quá mà phạm tội bột phát.

Về việc này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết: Chính phủ đã chỉ đạo xử lý quyết liệt, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Tới đây sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân mở chi nhánh, áp dụng công nghệ mới để tiếp cận vốn thanh toán, đơn giản hoá thủ tục cho vay và thanh toán để tiếp cận vốn dễ hơn.

MỚI - NÓNG