Tưởng con hiếu động không ngờ bị tăng động

Bé trai 8 tuổi ở Hà Nội học toán tốt, không thích học tiếng Việt, luôn nhấp nhổm trong lớp, khó khăn khi dùng từ.

Bé được gia đình đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai khám vào tuần trước. Bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán bé bị tăng động giảm chú ý thể hỗn hợp.

Gia đình cho biết bé rất hiếu động, thích học tiếng Anh nhưng không thích học tiếng Việt. Khi lên lớp 2, cô giáo phát hiện trẻ có nhiều bất thường, luôn nhấp nhổm trong lớp, không tập trung trong lớp, khó khăn khi dùng từ và viết câu. Nhà trường nhiều lần động viên gia đình đưa con đi khám.

Một bé trai 16 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội, đã điều trị bệnh từ khi 8 tuổi. Khi đó, người bố phát hiện con nghịch ngợm bất thường, không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ, đi học bị cô giáo phản ánh không tập trung nghe giảng. Bé được các bác sĩ kết luận bị tăng động giảm chú ý, chỉ định điều trị bằng thuốc. Sau 2 năm, khi thấy con ngoan hơn, tình trạng có cải thiện, gia đình đã tự ý ngưng thuốc.

Vài tháng sau, các dấu hiệu tăng động giảm chú ý tái phát nên vào bệnh viện điều trị từ đầu. Bác sĩ phải tăng liều sử dụng thuốc. Lần này gia đình tuân thủ điều trị, đến nay bé trai học tốt, hòa nhập cuộc sống tốt.

Bác sĩ Lê Công Thiện, Trưởng phòng Điều trị tâm thần Nhi, Viện Sức khỏe tâm thần, cho biết thường xuyên có các bệnh nhi đến khám do mắc rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), trung bình mỗi ngày khoảng 10 cháu.

Theo bác sĩ Thiện, rối loạn tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn tâm thần hay gặp nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tỷ lệ này ở trên thế giới chiếm 3-7% ở tuổi đi học. Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu năm 2013, có khoảng 4% trẻ mắc rối loạn này, nam gấp đôi nữ.

Nguyên nhân của ADHD được cho là liên quan đến sinh học (gen, di truyền); thay đổi cấu trúc não, tổn thương não; môi trường (chế độ ăn, thực phẩm) hoặc liên quan đến nội tiết do tác dụng phụ của thuốc.

Rối loạn giảm chú ý gồm 3 thể: Hỗn hợp (trẻ vừa có biểu hiện tăng động quá mức, vừa suy giảm khả năng chú ý); Thể giảm chú ý (trẻ không có khả năng tập trung, chú ý kém, hay quên nhưng lại không quá tăng động); Thể tăng động (trẻ rất hiếu động, tính cách bồng bột nhưng vẫn có khả năng tập trung, chú ý).

Tại Việt Nam, có đến hơn 80% các ca tăng động giảm chú ý do cô giáo phát hiện. Các dấu hiệu dễ nhận biết nhất là trẻ nói nhiều, vận động nhiều, luôn nhấp nhổm, chạy nhảy, khó khăn trong việc tổ chức, sắp xếp công việc, hay quên, khó tuân thủ các quy định,

"Những biểu hiện ban đầu khá nghịch ngợm nên giai đoạn đầu, không ít cha mẹ tưởng con hiếu động", bác sĩ Thiện nói.

Theo bác sĩ Thiện, tăng động giảm chú ý giống như những căn bệnh mạn tính, cần phải điều trị dài lâu và kiên trì liên tục, tái khám định kỳ.

Để điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý, liệu pháp chính là dùng thuốc, quyết định 80% hiệu quả điều trị. Sau đó phải kết hợp với các liệu pháp tâm lý, hành vi với sự hỗ trợ từ cô giáo, gia đình, bác sĩ.

Thuốc phổ biến để điều trị rối loạn này hiện khá đắt, giá khoảng 50.000-60.000 đồng một viên, trung bình mỗi ngày trẻ cần uống 1-2 viên.

Khi trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ đối diện với nhiều vấn đề trong quá trình phát triển tâm sinh lý, học tập, giao tiếp, phát triển cảm xúc. Đặc biệt, trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý có nguy cơ cao bị các rối loạn tâm thần khác, tăng nguy cơ sử dụng chất gây nghiện, hành vi phạm tội cũng như tai nạn so với trẻ bình thường.

Với trẻ mắc bệnh, bác sĩ Thiện khuyến cáo hạn chế cho trẻ xem tivi, chơi điện thoại bởi sẽ khiến tình trạng nặng thêm.

Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG