Tuổi thanh xuân có tươi đẹp nhất?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cú nhảy chấn động và đau thương từ tầng 28 lúc rạng sáng Ngày nói dối 1/4 của một thiếu niên trường chuyên ở Hà Nội khiến tất cả những phụ huynh và bản thân người trẻ bàng hoàng nhìn lại mình và con cái mình với nỗi thấp thỏm âu lo vô bờ bến...

Liên tưởng đến The Worst Person in the World (Người tệ nhất thế giới) bộ phim Na Uy sản xuất năm 2021 của đạo diễn Joachim Trier, kể về từng khoảnh khắc khác nhau trong cuộc đời của cô gái trẻ Julie khi phải đối mặt với các lựa chọn sự nghiệp, gia đình và tình yêu.

Như phần lớn những người trẻ, Julie luôn cảm thấy mơ hồ về mọi thứ. Từng là một học sinh điển hình với điểm số xuất sắc, Julie thi vào ngành Y với lí do duy nhất là vì ngành này khiến điểm số của cô có ý nghĩa nào đó. Sau đó Julie lại nhảy qua nghiên cứu về tâm lý và những suy nghĩ nội tâm của con người vì cô tưởng rằng đây mới thực sự là đam mê đích thực của mình. Nhưng rồi Julie lại bỏ học và tiêu số tiền tiết kiệm còn lại vào nhiếp ảnh. Nhưng,… cũng không bất ngờ khi cô dần cảm thấy mất hứng thú với môn nghệ thuật thị giác.

Một bộ phim chân thực về người trẻ ở xã hội hiện đại nơi họ luôn bị đè nén bởi hàng tá các câu hỏi như thi cử, ngành học, công việc có ý nghĩa nhất là gì, liệu đã yêu và chọn đúng người để yêu chưa? Bộ phim không trả lời những câu hỏi trên mà nó cho thấy sự ám ảnh của những câu hỏi đó đối với một người trẻ lạc lối như Julie.

Tuổi thanh xuân có tươi đẹp nhất? ảnh 1

Tuổi thanh xuân dẫu khó khăn những vẫn luôn đầy hy vọng (ảnh trong phim)

Giống như nhiều người trẻ khác ở độ tuổi 20-30, Julie luôn đợi chờ một điều gì đó sẽ xảy đến trong tương lai. Như khi đối mặt với một quyết định nào đó, chính cô cũng không biết thứ mình đang theo đuổi là gì. Có lẽ đó là dấu hiệu của hội chứng khủng hoảng một phần tư cuộc đời. Giai đoạn mà nhiều người trẻ phải đối mặt với sự vô định, căng thẳng và những câu hỏi hiện sinh trong quá trình định hình danh tính của bản thân khi họ bước sang một chương mới của cuộc đời mình.

Theo nhà tâm lý học nổi tiếng Erik Erikson, đây là tình trạng khủng hoảng mà mọi người trẻ sẽ phải và cần phải trải qua trong các giai đoạn trưởng thành. Ông cho rằng đây là một loạt các xung đột nội tâm có liên kết chặt chẽ tới các giai đoạn phát triển, và cách chúng ta giải quyết các khủng hoảng này sẽ quyết định danh tính và sự phát triển của ta trong tương lai.

Trải qua các giai đoạn khủng hoảng này không hề là một việc dễ dàng, đặc biệt là trong thời đại 4.0 nơi mà ta có thể kết nối và dõi theo cuộc sống thường ngày của mọi người ở khắp nơi trên thế giới. Giờ đây, người trẻ sẽ không phải chỉ đối mặt với khủng hoảng tiền trưởng thành mà còn phải vật lộn với áp lực khác, khi mà những người cùng lứa tuổi hoặc trẻ hơn họ đều trông có vẻ như đang sống một cuộc đời thành công hơn rất nhiều. Nhiều người cứ trông thấy những thành tựu mà người khác phô bày trên mạng xã hội để rồi cảm thấy tự ti, nhưng không mấy ai biết được rằng cuộc sống của người đứng sau tài khoản đó có thể không hào nhoáng như ta tưởng. Đó là bởi vì không phải ai cũng đủ can đảm để chia sẻ những thất bại hay khuyết điểm của bản thân cho người khác xem trừ khi điều này đem lại lợi ích cho họ.

Khủng hoảng một phần tư cuộc đời đã khó khăn lắm rồi, nhưng khủng hoảng một phần tư cuộc đời ngay thời khắc đại dịch lịch sử COVID-19 còn khó khăn gấp bội phần. Nó tước đi cảm giác chắc chắn về mọi thứ mà ta có khiến ta rơi vào một cảm giác lo âu, khủng hoảng và bất định. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ người trẻ ở độ tuổi 18-30 rơi vào trầm cảm do ảnh hưởng bởi đại dịch cao hơn hẳn so với các độ tuổi lớn hơn.

Sống trong một xã hội luôn có tiêu chuẩn cao và sự ganh đua không hồi kết, chúng ta khó hài lòng với bản thân và thứ ta đang có trong khi cố với tới những thứ to lớn hơn. Để rồi đọng lại là vẻ đẹp đầy day dứt và cả lỗi lầm của hành trình cố gắng giải tỏa nhu cầu tự bộc lộ bản thân (self-actualization), nhu cầu đứng đỉnh tháp nhu cầu Maslow, của một người trẻ chập chững trên con đường trưởng thành.

Julie và những người trẻ như cô không phải là mẫu người hoàn hảo nhưng cũng không là người “tệ nhất thế gian”. Cô chỉ là một cô gái trẻ bình thường đang chật vật đối mặt với khủng hoảng một phần tư cuộc đời để đi tìm chính mình, để rồi mắc những lỗi lầm và gây tổn thương tới những người khác trong cuộc hành trình đó. Nếu cảm thấy nhân vật này “đáng tệ” có nghĩa là ta cũng đang tự ghét một phần bản thân mình. Bởi cũng là người trẻ đang đi tìm bản thân mình, chắc chắn rằng ta cũng sẽ mắc những lỗi lầm như vậy. Tự ghét mình, để sau những vấp ngã sẽ có thể đứng dậy và trưởng thành hơn.

MỚI - NÓNG
Công nương Nhật Bản qua đời
Công nương Nhật Bản qua đời
TPO - The Japan Times đưa tin Công nương Yuriko của Hoàng gia Nhật Bản vừa qua đời ở tuổi 101 vì bệnh viêm phổi. Bà không xuất hiện trước công chúng kể từ sự kiện chào năm mới 2024. 
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.