Các nhà nghiên cứu Đan Mạch cho biết những phụ nữ có mẹ mãn kinh sớm có số lượng trứng trong buồng trứng ít hơn so với những người có mẹ mãn kinh muộn. Phụ nữ có ít trứng thì khả năng thụ thai thấp hơn.
Hiện tại chưa có xét nghiệm nào có thể dự báo chính xác khả năng sinh đẻ của người phụ nữ.
Nghiên cứu gồm 527 phụ nữ từ 20 đến 40 tuổi.
Các tác giả đã dùng hai phương pháp được chấp nhận để đánh giá lượng trứng mà người phụ nữ có – được biết là “dự trữ buồng trứng: nồng độ hóc-môn kháng Mullerian (AMH) và đếm nang thứ cấp (AFC).
Trong nghiên cứu trên các nữ nhân viên y tế, các tác giả thấy rằng cả AMH và AFC ở những phụ nữ có mẹ mãn kinh sớm (trước tuổi 45) đều giảm nhanh hơn so với những phụ nữ có mẹ mãn kinh muộn (sau tuổi 55).
Nồng độ AMH trung bình hàng năm đã giảm 8,6%, 6,8% và 4,2% tương ứng ở nhóm phụ nữ có mẹ mãn kinh sớm, bình thường hoặc muộn.
Tương tự đối với AFC, mức giảm hàng năm tương ứng ở các nhóm là 5,8%, 4,7% và 3,2%.
Nghiên cứu trước đây cho thấy thời gian từ khi khả năng sinh đẻ của người phụ nữ bắt đầu suy giảm đến khi mãn kinh là khoảng 20 năm. Vì vậy nếu người phụ nữ mãn kinh ở tuổi 45 thì khả năng sinh đẻ của họ đã bắt đầu giảm khi họ 25 tuổi.
Nhà nghiên cứu chính, tiến sĩ Janne Bentzen cho rằng: “Những kết quả này ủng hộ ý tưởng dự trữ buồng trứng bị tác động bởi các yếu tố di truyền. Và cần có các nghiên cứu theo dõi trong thời gian dài”.
Tuy nhiên, có ít trứng không nhất thiết có nghĩa là người phụ nữ sẽ có ít con.
Nói chung thì phụ nữ có khả năng sinh đẻ tốt nhất ở lứa tuổi 18-31.
Hoàng Thái
Theo BBC