> Tùng Dương: 'Độc đạo' và độc nhất
> Tùng Dương: 'Sợ sự cảm tính của nghệ sĩ trong nước'
Trong khi một số ông hoàng bà chúa tự phong chiều khán giả bằng những dòng nhạc quen thuộc, thậm chí cũ kỹ và mải miết chạy sô kinh doanh giọng hát thì Tùng Dương giao du với nghệ sĩ đẳng cấp thế giới. Giao du không chỉ để cho sang mà nó chứng tỏ Dương có thực lực để chơi với họ mà không bị đuối.
Hòa nhạc Độc đạo (tối 24/11 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị) là chương trình thành công nhất của Tùng Dương từ trước đến nay. Sân khấu chỉ dành cho âm nhạc và ánh sáng giao hòa, không có múa may hay lời dẫn. Chất lượng giọng hát đến âm thanh đều đạt mức hoàn chỉnh, tương xứng với đẳng cấp quốc tế của các nghệ sĩ tham dự.
Có thể nói Nguyên Lê- nghệ sĩ gốc Việt tầm cỡ quốc tế đã mở cửa cho Tùng Dương ra thế giới. Còn đi xa đến đâu là tùy vào tài năng và sự thích nghi của Dương. Độc đạo là sản phẩm hiếm hoi nếu không nói là độc nhất mà trong đó Nguyên Lê “chịu” phối theo kiểu làm nền cho một ca sĩ.
Trước nay, nhiều giọng ca khủng đẳng cấp quốc tế vẫn thường được đối xử bình đẳng như các nhạc công (mà nhạc cụ là cổ họng) trong ban nhạc của ông. Các tiết mục hòa tấu với ca sĩ Nhật Bản Himiko Paganotti trong đêm Độc đạo là ví dụ. Nó rất dài với nhiều phân đoạn mà ca khúc gốc như Come together (Beatles) chỉ là cái cớ để phát triển tác phẩm.
Nhìn lại thì thấy tốc độ phát triển của Tùng Dương quả là nhanh. Cách đây chưa đầy chục năm, anh xuất hiện trên sân khấu Sao Mai Điểm hẹn và dè dặt lăng-xê phong cách quái, điên trên sân khấu.
Thể hiện khác người của Dương thời kỳ đầu vẫn thiên về hình thức. Sau quá trình trau dồi, đến Độc đạo, hình thức dị thường đó còn đọng lại rất ít, có chăng chỉ còn trong những trang phục biểu diễn điệu đà, hơi rườm rà so với bài trí tối giản của sân khấu. Nói cách khác, âm nhạc của Tùng Dương dần đi vào chiều sâu, khẳng định một thẩm mỹ, một sự lựa chọn quyết liệt của con đường Độc đạo.
Tùng Dương đã và đang giải một bài toán hóc búa. Đó là album và hòa nhạc Độc đạo làm sao phải vừa không quá xa với cảm nhận của người nghe trong nước nhưng vẫn là tấm giấy thông hành ra thế giới.
Nếu phần đầu của đêm nhạc sử dụng những giai điệu Việt Nam của Nguyễn Văn Thương, Lưu Hà An, Sa Huỳnh… trên nền phối mới lạ của Nguyên Lê vẫn lung lạc được khán giả thì những tiết mục có sự tham gia tích cực của các nghệ sĩ quốc tế hẳn là còn mới mẻ với đa số người nghe Việt Nam. Một tín hiệu tốt khi nét nhạc dân tộc qua tiếng đàn bầu, đàn tranh được đưa vào các bài hát nước ngoài một cách có lý khiến khán giả ồ lên thú vị.
Đêm nhạc Độc đạo vẫn được quảng bá là của Tùng Dương và Nguyên Lê nhưng chắc rằng khán giả của Dương vẫn chiếm số đông. Qua phục sức và phương tiện đi lại, có thể thấy khá nhiều khán giả của Tùng Dương thuộc tầng lớp giàu có. Một biểu hiện đáng mừng khi họ chọn Tùng Dương và Nguyên Lê để thưởng thức?
Hình ảnh một số khán giả bỏ về khi các nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế đang cháy hết mình trên sân khấu, đáng suy nghĩ. Chương trình diễn ra hơi trễ, cũng chỉ tới 23h là kết thúc. Nhưng cũng khó mà nói được văn hóa xem hòa nhạc của dân mình.
Chẳng qua Tùng Dương quá đa dạng và những khán giả bỏ về chắc là chỉ tiếp thu được phần “Tình ca” (Tùng Dương hát tình ca là dự án khá ăn khách gồm tour diễn và DVD) của anh mà thôi. Nhưng sự thực là một số “đại gia” đã tài trợ đêm diễn bằng cách mua hàng loạt vé. Khán giả về sớm chắc là những người được tặng vé.
Đóng góp cho âm nhạc của Tùng Dương tới mức nào chưa biết, nhưng ít ra anh cũng có công đổi món cho loại khán giả đã cảm thấy đủ với thực đơn tương đối nhàm chán của thị trường âm nhạc trong nước |