Tục “cướp vợ” ngày nay đang bị biến tướng

Trương Văn Biển, người tổ chức cuộc “cướp vợ” tại ngã ba Châu Lộc.
Trương Văn Biển, người tổ chức cuộc “cướp vợ” tại ngã ba Châu Lộc.
TPO - Theo một số già làng thì từ thuở ban đầu, tục “cướp vợ” là một sự bứt phá hôn nhân theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, tục “cướp vợ” đang dần bị biến tướng, dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc.

“Trộm vợ” là sự bứt phá trong hôn nhân

Tục “cướp vợ” hay gọi là “trộm vợ” xuất hiện từ lâu và trở thành một bản sắc văn hóa độc đáo của người Mông, người Thái... Trải qua hàng trăm năm, tục lệ này vẫn được duy trì. Tại các huyện miền núi Nghệ An, số lượng đồng bào dân tộc thiểu số rải rác trên diện rộng. Từ những vùng rẻo cao, quanh năm sương mù che phủ như Kỳ Sơn, Quế Phong cho đến các huyện có nền kinh tế, văn hóa phát triển như Quỳ Hợp thì tục “cướp vợ” trở thành một ngày vui, khi các thế hệ trong bản làng, họ hàng quây quần nhảy múa bên vò rượu cần. Những cuộc vui đó là kết quả của tình yêu đôi lứa, là sự đồng thuận của hai gia đình cho một cuộc hôn nhân đúng theo phát luật và tục truyền.

Già làng Vi Khăm Mun (SN 1944), trú tại bản Xiềng Líp, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, Nghệ An, là một trong những người dân tộc Thái có sự am hiểu sâu về tục “cướp vợ” chia sẻ: “Có thể nói các cuộc hôn nhân đó là “đi tắt”, nếu hai bên ưng thuận thì không cần phải nói làm gì. Nhưng nếu, trong hai người, chỉ một người có tình cảm hoặc yêu mà gặp sự ngăn trở của bố, mẹ thì tục “cướp vợ” sẽ xảy ra”.

Trên các bản mường, phong tục tập quán “phép mẹ, quyền cha” được xem như là núi đá cao sừng sững. Nên từ đầu tục “cướp vợ” có thể được xem như là mỹ tục bởi sự bứt phá, vượt qua rào cản hủ tục phong kiến xa xưa. Theo một số già làng thì tục lệ này từng được xem là sự phản kháng công khai mạnh mẽ để mưu cầu hạnh phúc cho bản thân và người mình yêu thương. Cuộc “cướp vợ” diễn ra thường được sự giúp đỡ của bạn bè trai gái hai bên, khi đến giờ lành, cô gái theo về nhà chồng với sự phù dâu tự nguyện của bạn bè. Dù không được bố mẹ cô gái đồng ý nhưng chàng trai cũng tìm cách đặt lễ vật lên bàn thờ để sáng dậy, không thấy con gái đâu, bố mẹ nhìn lên thấy lễ vật thì sẽ hiểu. Dĩ nhiên, cuộc “trộm vợ” đã thành công.

Ông Lương Viết Thoại (SN 1954, trú tại bản Còn, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp cho biết: “Là một người con của dân tộc Thái, tôi đánh giá cao tục cướp vợ từ thuở ban đầu. Sau khi “cướp vợ” thì nhà trai đưa lễ vật đến nộp phạt. Hai bên thỏa thuận xong, mọi rào cản xung quanh cuộc hôn nhân coi như được gỡ bỏ. Nhà trai về chuẩn bị đám cưới, hai họ lại say khướt”.

Biến tướng tục “cướp vợ” và lời trần tình của người trong cuộc

Bên cạnh những nét đặc sắc đó, tục “cướp vợ” đang dần có dấu hiệu biến tướng, có nhiều yếu tố cấu thành tội phạm. Trong một thời gian dài, tục lệ này dần lắng xuống nhưng gần đây lại bùng lên. Sự biến tướng có phần trắng trợn đã gây ra một số hậu quả cho người con gái tuổi vị thành niên. Có thể nói, nạn “tảo hôn” là sự biến tướng tột cùng của tục “cướp vợ” bây giờ. Những cô gái chưa đến tuổi “trăng rằm” bị bắt về làm dâu nhà người.

Tục “cướp vợ” ngày nay đang bị biến tướng ảnh 1

Ngôi nhà gia đình Trương Văn Biển.

Tại một số bản Mường, nhiều bố mẹ đã lên án, phản đối tục “cướp vợ” dẫn đến “tảo hôn”. Tuy nhiên, sự trừng phạt nặng nề của dòng họ và lí luận của đồng bào vùng cao khiến họ bất lực. Một số vụ việc đáng tiếc xảy ra khi cô gái không chấp nhận tình yêu đó mà vẫn bị cướp, đến nhà chồng bị nhốt trong buồng kín, có người canh giữ. Tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề, các cô gái tìm đến sự giải thoát là ăn lá ngón tự tử, kết thúc chuyện đau lòng.

Liên quan đến sự việc “cướp vợ” xảy ra ngày 3/2, tại xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Trương Văn Biển (SN 1992) trú tại bản Quèn, xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp. Biển là người tổ chức cuộc “cướp vợ”. Người con gái trong clip được đăng tải trên mạng xã hội Facebook là Vi Thị Hiền (SN 1993) trú tại bản Quắn, xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp.

Theo Trương Văn Biển, hai người quen nhau tại bản Quắn, hồi tháng 6/2016 và thường xuyên liên lạc qua lại. “Tết vừa rồi em cũng đưa Hiền đến nhà em chơi và đã nhiều lần muốn thổ lộ tình cảm với Hiền nhưng chưa có cơ hội. Ngày 3/2 vừa qua, biết Hiền sẽ đón xe vào miền Nam làm việc, em đã đến nhờ anh Vi Văn Phong, Lữ Văn Hải và Vi Văn Bốn ở cùng bản ra ngã ba Châu Lộc để tìm gặp Hiền.

“Nếu Hiền nói yêu em thì em sẽ bắt Hiền về làm vợ. Nhưng khi ra, chưa nói gì thì các anh đã nhảy vào bắt làm cho Hiền hoảng sợ. Công an đã gọi em lên viết bản tường trình, em không biết làm như vậy là sai trái. Em sẽ không làm như vậy nữa”, Biển cho biết thêm.

Được biết, anh Trương Văn Biển nghỉ học từ năm lớp 9. Mấy năm nay, Biển đi làm công nhân khai thác quặng trên địa bàn huyện, còn Vi Thị Hiền học hết lớp 10. Hai năm nay, Hiền đi làm việc cho một quán hàng ăn ở ngã ba Châu Lộc.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Hồ Lê Ngọc, Bí thư huyện ủy Quỳ Hợp cho biết: “Chúng tôi đã có báo gửi thường trực tỉnh ủy, đối với 4 đối tượng trong vụ “cướp vợ” thì vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức truy tố hình sự. Ngoài ra, huyện ủy cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan tuyên truyền vận động để người dân hiểu và xóa bỏ tình trạng này”.

MỚI - NÓNG