Tuấn Hiệp và chuyện 'cứu người cũng là cứu ý thức'

Ca sĩ Tuấn Hiệp trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: N.M.Hà.
Ca sĩ Tuấn Hiệp trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Không dễ thuyết phục ca sĩ Tuấn Hiệp kể lại những hành động cứu người mà anh đã làm khá thường xuyên.

Thời buổi tai nạn trên đường ngày càng nhiều, nhưng “việc ai nấy lo” có vẻ lại trở thành quan niệm sống phổ cập. Vì thế câu chuyện của những “hiệp sĩ” như Tuấn Hiệp càng nên được biết đến rộng rãi, để việc cứu người không còn là chuyện xa vời, thậm chí đáng sợ - với toàn khả năng mang lại phiền toái cho người cứu.

Ca sĩ Tuấn Hiệp: Khi gặp vấn đề trên đường, đôi khi người ta dừng lại chỉ vì hiếu kỳ. Nhưng tôi gần như phản xạ tự nhiên: Bất kể gặp tai nạn nào khi có đủ thời gian tôi đều dừng lại xem có phải bạn bè người thân của mình không. Trong mười người dừng lại ít nhất vài ba người có phản xạ tự nhiên như tôi. Nhưng không có nghĩa người không quen, mình lại bỏ đi.

Tôi theo đạo Phật, quan niệm có vay có trả, nên xưa nay không ngại bất kể tai nạn gì. Đôi khi những tình huống đó tạo sự thay đổi cho chính người bị nạn. Trước đó có thể người bị nạn thiếu ý thức, thiếu tinh thần cộng đồng nhưng sau vụ tai nạn, họ sẽ khác.

Anh dám chắc điều đó?

Hè năm lớp 10 tôi vào Sài Gòn “đi bụi” làm đủ thứ, có lần đi kéo xích-lô chở xà bần, cát, xi măng tại cây xăng phường 7 quận 8, nặng quá, xích lô bênh xuống, đè hai chân, tôi khuỵu xuống. Đường đông người, mà không ai dừng lại nhấc xích-lô cho mình đứng dậy. Lúc sau có mấy nữ sinh mặc áo dài dừng xe đạp bới cát, kéo mình ra. Thì mình nghĩ sao những bạn bằng tuổi mình, được ăn học đàng hoàng, ứng xử đúng như người được đi học, mà mình lại phải đi làm như thế này. Sao bố mẹ cho đi học mà lại bỏ nhà đi chỉ vì vui theo chúng bạn, sao mình không học để trở thành người tốt đẹp. Sau vụ đó tôi bỏ luôn, về nhà ông chú vay 200 ngàn bắt xe về quê.

Một hành động nhỏ có thể thay đổi nhiều thứ... Từ đấy tôi nghĩ đi đường cứu người ngoài tính nhân văn đôi khi còn cứu cả một ý thức, một suy nghĩ. Sau này có lần tôi gom cả lũ trẻ bỏ nhà lên Hà Nội rồi gọi bố mẹ chúng đến đón về.

Với anh, giúp người bị nạn dường như đã thành một nếp sống? Anh có thể kể vài trường hợp?

Những người mà tôi giúp nói thật không nhớ hết được. Gần đây nhất một mình tôi gần như cứu một bác sĩ Bệnh viện 108 là hàng xóm. Ông uống rượu nhiều bị ngộ độc. Chị vợ chạy sang nhờ tôi lái xe đưa chồng đi. 11h đêm, tôi đi qua hết đèn xanh đèn đỏ từ Trung Văn đến Viện 108. Các bác sĩ bảo chỉ chậm 3 phút là chết.

Trường hợp ở dọc đường thì nhiều lắm. Một lần tôi đang chuẩn bị đi diễn cho liveshow của Elvis Phương ở Hồ Gươm Xanh, gặp người đi xe máy bị kẹt giữa xe buýt và taxi, nằm im tại chỗ, tưởng chết rồi. Taxi bỏ chạy. Tôi hồi đấy đi Wave tàu đuổi từ ngã tư Trần Duy Hưng đến Ngã Tư Sở chặn đầu. Có hai anh xe ôm cùng đuổi. Ba người bắt taxi quay lại. Lúc đấy quanh chỗ tai nạn, người đã đông kín. Phụ xe buýt đưa người bị nạn lên taxi. Tôi áp tải cả xe buýt và taxi vào phòng cấp cứu Saint Paul và nói rõ tình hình thế này, giờ tôi phải đi hát, bàn giao lại cho bác sĩ. Thì mình cũng chỉ giúp được đến thế thôi.

Đôi khi mình giúp nhưng người ta lại làm mình tự ái. Vì từng có chuyện người ngã xe bị hôi của, nên họ đề phòng. Sau này họ tìm gặp, cho tiền, quà nhưng tôi không nhận.

Để tránh bị hiểu lầm, không nên một mình đưa nạn nhân vào viện hoặc tốt nhất là bắt thủ phạm đi cùng như anh đã làm?

Đôi khi chỉ là hên xui. Phụ thuộc vào văn hóa của gia đình người bị nạn. Quan điểm của những người không thể giúp cũng có lý. Họ không liên quan vụ tai nạn lại nhảy vào, không phải đầu cũng phải tai. Ít nhất cũng mất thời gian, bị công an hỏi cung cũng sợ. Sự lo sợ đôi khi chính là rào cản cho những người có ý giúp đỡ.

Anh đã gặp cướp bao giờ chưa?

Bản thân tôi làm một vụ rồi. Ở ngã tư Nguyễn Hữu Huân và Hàng Mắm, hôm tôi vào chơi khách sạn của người quen. Ở ngoài hô cướp. Có một thằng cầm túi chạy, không ai dám cản. Nó vừa chạy trông nó vừa sợ, mình cũng nhảy ra đạp một phát. Nó ngã ra, mọi người nhảy vào bắt đưa lên công an. Mới biết có ba thằng đi hai xe máy dừng đèn đỏ định cướp xe Attila của hai mẹ con, bà mẹ đang có bầu, đứa con 4 tuổi đứng trước…

Vì sao cướp Hà Nội không dám manh động như Sài Gòn, đơn giản Hà Nội cướp đầu này, đầu kia ít nhiều có người ngăn chặn. Sài Gòn cũng có nhưng ít.

Lại có ý kiến rằng gặp tai nạn nên để nguyên hiện trường gọi xe cấp cứu, không nên động vào nạn nhân vì có thể khiến họ bị thương nặng hơn?

Nước mình, cái gọi là phản ứng nhanh của người có chuyên môn còn hạn chế. Như cháy mà chờ xe cứu hỏa thì có khi đã cháy hết. Chưa kể thành phố lớn nào chả tắc đường. Chờ bác sĩ đến nạn nhân chết rồi thì làm sao. Đấy là tư duy của những nước phát triển, có điều kiện. Tôi đi châu Âu nhiều, có vấn đề gì, có khi không đến một phút công an có mặt ngay, thậm chí cả máy bay trực thăng. Hoàn cảnh của ta, phải có phương án sơ cứu nếu người ta còn sống rồi đưa đi bệnh viện. Ở nước đang phát triển như mình phải có phương án tuyên truyền đúng với điều kiện kinh tế.

“Trong chuyến ô tô ra Bắc, thời kỳ đó (1995) tệ nạn mời khách đánh xóc đĩa trên xe rất nhiều. Tôi ngồi cùng cậu bạn vừa quen trên xe. Thương quê Thường Tín, Hà Tây. Tôi không biết cờ bạc. Thương chơi, khi hết tiền không đánh nữa, bị nhóm cờ bạc bắt cởi hết dây chuyền, nhẫn. Cậu không chịu thì chúng nhảy vào đánh. Lúc ấy tôi chẳng biết làm sao, chỉ biết nếu mình không nhảy vào thì cậu sẽ chết. Tôi cũng rất sợ nhưng đôi khi cứu người gần như phản xạ. Tôi nhảy vào ôm Thương, van xin bọn kia. Hai thằng ốm đòn”.

“Những gì xảy ra với tôi quãng thời gian lang bạt làm cho mình ý thức về cộng đồng tốt hơn, vì mình ra ngoài xã hội được nhiều người giúp quá. Mình thấy đó cũng là cái mình cần phải làm cho những người xung quanh. Xã hội công bằng lắm, gì cũng có giá của nó. Đơn giản mình chỉ nghĩ mình theo đạo Phật, theo Nhân quả”. 

Ca sĩ Tuấn Hiệp

MỚI - NÓNG