Từ xưởng đóng tàu “chui” đến công trường cát “lậu”

Những chiếc tàu hút cát đang được đóng mới.
Những chiếc tàu hút cát đang được đóng mới.
TP - Cùng với các tỉnh thành khác, Đồng Nai đã tạm ngưng các dự án nạo vét, khai thác cát và tăng cường hoạt động ngăn chặn khai thác trái phép.  Thế nhưng, những chiếc tàu sắt tải trọng lớn phục  vụ cho việc khai thác cát liên tục được đóng mới. Những công trường cát lậu vẫn hoạt động rầm rộ.

Vào xưởng đóng tàu “chuyên hút cát”

Xưởng đóng tàu sắt của gia đình bà Vương nằm bên quốc lộ 20 (thuộc địa phận xã La Ngà, huyện Định Quán, Đồng Nai). Khách hàng tìm đến đây chủ yếu là đặt đóng tàu bơm hút cát. Khách đặt hàng nhiều đến nỗi cứ chiếc này bàn giao cho khách thì chiếc khác đã lên khung. Hơn chục người thợ làm việc liên tục để thực hiện các công đoạn đóng tàu, người gò, người cưa cắt, người sửa máy. Tiếng búa gõ chát chúa, lửa hàn xì lập lòe văng túng tóe…

Giới thiệu với chúng tôi về một chiếc tàu sắt vừa đóng xong đang đợi sơn phết và lắp máy, bà Vương cho biết: “Chiếc tàu này  được khách ở Vũng Tàu đặt đóng, riêng phần vỏ tàu trị giá 240 triệu đồng. Tàu này ngắn nhưng rộng về bề ngang và chiều sâu. Khách đặt đóng tàu ngắn nhưng vẫn tải được trọng lượng lớn có lẽ là để khai thác ở những vùng nước hẹp”.

Giá thành một chiếc tàu này lên đến hàng trăm triệu đồng tùy theo loại máy được lắp đặt. Bắc chiếc thang sắt cho chúng tôi trèo lên sàn tàu tham quan, ông T., một thợ đóng tàu ở xưởng giới thiệu: Phần mũi là đặt khoang lái, phần boong sau để đặt máy  bơm, khoang giữa là một hầm sâu dùng để chứa cát. Ông T. nói: “Khoang tàu này chứa được 20 khối cát tương đương 30 tấn, chủ tàu đặt máy bơm là loại máy ô tô Huyndai mấy ngàn mã lực, ống hút cát đường kính 30cm.

Với công suất mạnh như vậy không đầy 30 phút khoang chứa cát 20m3 này sẽ đầy ngay”. PV hỏi thêm về kỹ thuật đóng tàu, ông T. cười trừ: “Tôi chỉ là thợ hàn thôi, cứ lên khung xong, hàn vỏ thép vào đảm bảo liền mối, không vào nước, vỏ thép dày hay mỏng là tùy vào yêu cầu của khách. Tụi tôi đã đóng hàng trăm chiếc tàu như vậy rồi, chưa phải đền chiếc nào”.

Dẫn chúng tôi xem 2 chiếc tàu khác đang được đóng, bà Vương nói: “Hai chiếc này được khách từ Lâm Đồng đặt với giá 160 triệu đồng/chiếc, chưa lắp máy”. Chúng tôi hỏi về đăng kiểm, bà Vương nói: “Tôi đóng tàu mười mấy năm nay, có ai cần giấy tờ đâu.

Chỉ có Cty Đ.T  yêu cầu đăng ký 2 chiếc. Mà chi phí để làm giấy tờ đắt và phức tạp lắm, mất cả trăm triệu đồng”. Bà Vương nói thẳng: “Tôi chỉ nhận đóng tàu. Đóng xong tàu thì giao cho khách tự vận chuyển”. Bà Vương cho biết thêm tàu cứ cho lên xe kéo đưa đi khắp nơi, các tỉnh miền Tây cũng lên đây đặt  đóng tàu.

Hỏi về chuyện đóng tàu, các cán bộ chuyên ngành ở tỉnh Đồng Nai ngạc nhiên: Đồng Nai không có doanh nghiệp đóng tàu nào. Ông Trần Quang Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Quán cũng khẳng định trên địa bàn huyện không doanh nghiệp nào được cấp phép hoạt động đóng tàu, thuyền.

Từ xưởng đóng tàu “chui” đến công trường cát “lậu” ảnh 1 Máy bơm cát công suất lớn.

Tận thấy “tàu bạch tuộc”

Những người dân ở ven sông đã quá khiếp sợ những chiếc tàu hút cát. Họ quen gọi đó là những chiếc tàu bạch tuộc. Tàu đến đâu là hạ những chiếc ống dài như vòi bạch tuộc sục xuống đáy sông, xỉa vào bờ hút cát làm sạt lở mất đất, sập nhà.

Tr. một người nhiều kinh nghiệm trong nghề khai thác cát dẫn chúng tôi đến tận “công trường” khai thác cát - nơi các “tàu bạch tuộc” đang tung hoành. Cát đã bị chính quyền cấm khai thác, nhưng con đường Gia Canh (xã Gia Canh, huyện Định Quán) hàng ngày vẫn có đoàn xe ben rầm rập vận chuyển cát. Người dân làm barie ngăn xe ben chạy qua khu dân cư, xe ben chở cát lại băng qua đường rừng.

“Công trường” khai thác cát của ông H. nằm gần bờ sông La Ngà. Vừa thấy chúng tôi xuất hiện, vài thanh niên đã tiếp cận và nhận ra Tr. Là người quen. Tr. nói: “Chỉ có người quen mới vào đây được, chứ lạ mặt thì cách vài cây số đã có người biết. Tùy điều kiện để người ta ứng biến”.

Trên mặt hồ rộng vài hécta là một chiếc “tàu bạch tuộc” đang nổ máy hết công suất bơm cát từ đáy hồ lên. Trước đây chỗ này là một khu đất trũng bán ngập, nay chủ đất khai thác cát đã tạo thành hồ sâu 5-6 m nước.  Một thanh niên liên tục dùng tời quay để di chuyển “vòi bạch tuộc” càn quét đáy hồ  hút cát. Đất cát được bơm lên phun thẳng vào tấm lưới sàng, phần cát theo lưới sàng vào khoang chứa, phần bùn đất được giữ lại trôi tuột lại xuống hồ. Không đầy 30 phút chiếc “tàu bạch tuộc” đã đầy khoang chứa khoảng 15m3 cát, chiếc tàu chìm sâu phần thân xuống nước. Tài công tăng ga lái tàu di chuyển về bãi chứa cát. Đến nơi, “vòi bạch tuộc” lại hút cát trong khoang đưa lên bãi. Một chiếc máy xúc ngoạm từng gàu cát đưa lên các xe ben chờ sẵn để vận chuyển đi tiêu thụ.

Dũng, một tài  xế xe ben chờ lấy cát nói: Một ngày tàu hút được 5- 6 chuyến cát, giá cát được bán tại bãi 270 ngàn đồng/m3 nhưng không đủ bán. Mỗi ngày cả trăm m3 cát được vận chuyển đi từ bãi này. Càng cấm khai thác cát thì những chủ bãi này càng lãi to.

Sát bãi cát của ông H. là bãi cát của ông Sáu Tr. Ông Tr. cũng đang vận hành hết công suất máy móc bơm hút cát. Tài xế Dũng nói: Trước đây vận chuyển đi xa nhưng giá cát thấp, nay chỉ vận chuyển bán cho các đại lý vật liệu xây dựng trong khu vực vẫn không kịp, nhiều chủ đang trữ cát để bán lâu dài và tiếp tục nâng giá. 

Liên tục trong 3 tuần qua, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai đã phát hiện hơn 10 vụ, tạm giữ 13 phương tiện dùng để bơm hút cát trái phép. Theo Phòng CSGT đường thủy (Công an Đồng Nai), thời gian gần đây do giá cát tăng đột biến, nên các đối tượng khai thác cát thường xuyên bơm hút cát trộm trên sông Đồng Nai.

MỚI - NÓNG