Từ vụ nhà báo rởm bị bắt ở Đắk Nông: Lộ diện thêm trung tâm không được hoạt động báo chí

0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan chức năng làm việc với đại diện Trung tâm Truyền hình giáo dục và Pháp luật khu vực Tây Nguyên
Cơ quan chức năng làm việc với đại diện Trung tâm Truyền hình giáo dục và Pháp luật khu vực Tây Nguyên
TPO - Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT) cùng đại diện Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Đắk Lắk đã có buổi làm việc với lãnh đạo Trung tâm Truyền hình giáo dục và Pháp luật khu vực Tây Nguyên, Chi nhánh của Công ty TNHH MTV Truyền hình Giáo dục và Pháp luật (Cty TVEL, trụ sở ở TP.HCM).

Theo nguồn tin Tiền Phong, tại buổi làm việc hôm qua (12/8), ông Lê Đình Lĩnh - Giám đốc và ông Phan Ngọc Tùng - Phó giám đốc Trung tâm Truyền hình giáo dục và Pháp luật khu vực Tây Nguyên khẳng định, đơn vị của ông không có chức năng hoạt động báo chí mà chỉ cử các biên tập viên, cán bộ đi tác nghiệp ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để sản xuất truyền hình đăng trên YouTube và các trang tin điện tử của công ty quản lý.

Chánh Thanh tra Sở TT&TT Đắk Lắk Nguyễn Công Bẩy cho rằng, qua nắm bắt địa bàn và kiểm tra dữ liệu trên các trang điện tử cho thấy Trung tâm Truyền hình giáo dục và Pháp luật khu vực Tây Nguyên hoạt động như cơ quan báo chí. Ông Bẩy đề nghị phía trung tâm cung cấp giấy phép của Bộ TT&TT để xem có được cho phép hoạt động báo chí hay không?

Từ vụ nhà báo rởm bị bắt ở Đắk Nông: Lộ diện thêm trung tâm không được hoạt động báo chí ảnh 1

Cơ quan chức năng kiểm tra các giấy tờ liên quan đến hoạt động báo chí của Trung tâm Truyền hình giáo dục và Pháp luật khu vực Tây Nguyên.

Ông Lê Đình Lĩnh đã trình nhiều loại giấy tờ, trong đó có 1 quyết định của Cty TVEL. Theo đó, Trung tâm Truyền hình giáo dục và Pháp luật khu vực Tây Nguyên có các chức năng nhiệm vụ, như: in ấn; cổng thông tin; quảng cáo; nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận; hoạt động xuất bản 2 trang tin điện tử gdpl.vn và tvel.vn; Xuất bản đặc san Giáo dục và Pháp luật theo Giấy phép xuất bản của Cục Báo chí, thuộc Bộ TT&TT… Ngoài ra, chi nhánh của công ty này ở Đắk Lắk còn phải tự hạch toán kinh phí chi tiêu tại đơn vị.

Sau khi kiểm tra, ông Bẩy cho biết, toàn bộ giấy tờ trên không phải là giấy phép hoạt động báo chí, chỉ mang tính chất quy định hoạt động nội bộ của công ty.

Sau đó, ông Lĩnh trình thêm một giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh do sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk cấp, nhưng không có nội dung nào liên quan đến hoạt động báo chí. “Như vậy, Trung tâm Truyền hình giáo dục và Pháp luật khu vực Tây Nguyên không phải là cơ quan báo chí, vì không có tài liệu, giấy tờ nào để chứng minh”, ông Bẩy nói.

Kết luận buổi làm việc, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đề nghị lãnh đạo Trung tâm Truyền hình giáo dục và Pháp luật khu vực Tây Nguyên chấm dứt ngay việc cử người, cấp giấy giới thiệu, thẻ công tác đến các cơ quan ban ngành để kiểm tra, lấy thông tin, ghi hình, viết bài… hoạt động như cơ quan báo chí.

Sở TT&TT Đắk Lắk khẳng định, việc Trung tâm Truyền hình giáo dục và Pháp luật khu vực Tây Nguyên hoạt động như các cơ quan báo chí và cử cán bộ biên tập, gồm ông L.M.C. và ông N.T.H. liên hệ với các tổ chức cá nhân để viết bài trước đó, có dấu hiệu vi phạm pháp luật quy định tại điểm d, đ, e khoản 1, điều 5, Nghị định số 72 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Thanh tra Sở TT&TT Đắk Lắk cũng yêu cầu trung tâm trên phải thu hồi toàn bộ thẻ công tác đã cấp cho những người thuộc trung tâm quản lý.

Như Tiền Phong đã đưa tin, Cục Báo chí, Bộ TT&TT đã phản hồi tới Sở TT&TT Đắk Nông kết quả xác minh hoạt động của Cty TNHH MTV Truyền hình Giáo dục và Pháp luật (Cty TVEL, trụ sở ở quận Gò Vấp, TP.HCM). Công ty này trực thuộc Trung tâm Trung tâm phát triển Giáo dục và truyền thông (viết tắt Trung tâm CEDC, tại TP.HCM).

Theo Cục Báo chí, ngày 25/3/2021, cục đã cấp giấy phép xuất bản đặc san Giáo dục và Pháp luật số 63/GP-XBĐS cho công ty trên. Khoản 19, Điều 3 Luật Báo chí năm 2016 quy định: Đặc san là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, không phải là sản phẩm báo chí.

Cục Báo chí khẳng định, Cty TVEL không phải là cơ quan báo chí được Bộ TT&TT cấp giấy phép hoạt động báo chí. Vì vậy, khi xuất bản đặc san, công ty trên không được thực hiện các hoạt động báo chí như cơ quan báo chí.

Thế nhưng, tại các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông chi nhánh của Cty TVEL đã cấp giấy giới thiệu, thẻ công tác cho nhiều người đi tác nghiệp như các PV báo, tạp chí, truyền hình.

Thời gian gần đây, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức đã làm đơn khiếu nại lên Sở TT&TT Đắk Lắk, Đắk Nông về việc người của đơn vị trên đã đăng tải nhiều bài viết có tính chất quy chụp, xúc phạm, vu khống.

Như Tiền Phong đã đưa tin, Viện KSND huyện Đắk Mil (Đắk Nông) phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trịnh Phương Nam (SN 1988) về tội cưỡng đoạt tài sản. Ông Nam là Giám đốc Trung tâm TVEL tại Đắk Nông.

Ngày 17/7, Nam bị Công an huyện Đắk Mil bắt giữ khi đang có hành vi cưỡng đoạt tài sản của chủ trang trại chăn nuôi. Kiểm tra trên người và nơi làm việc, công an thu giữ một thẻ nhà báo nghi làm giả, 3 thẻ cộng tác viên đều mang tên Trịnh Phương Nam.

Về thẻ nhà báo bị thu giữ, sau khi xác minh, Cục Báo chí cho biết đây không phải là Thẻ nhà báo do Bộ TT&TT cấp.

Sau khi Nam bị bắt, Trung tâm CEDC không nhận trách nhiệm trong việc quản lý nhân viên, người của công ty, mà cho rằng: “Ông Trịnh Phương Nam bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam về tội cưỡng đoạt tài sản là việc của cá nhân ông Trịnh Phương Nam phạm tội, ông Trịnh Phương Nam phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Sau đó, Trung tâm này cũng đăng tải thông tin về việc tạm dừng hoạt động chi nhánh của Cty TVEL tại Đắk Nông.

MỚI - NÓNG