Nhiều đạo diễn có nghề còn ngại dựng lại kịch của Lưu Quang Vũ, hà cớ gì anh chọn dựng “Người tốt nhà số 5” cho bài thi tốt nghiệp đạo diễn?
Đơn giản vì tôi tin mình tìm được chìa khoá của Người tốt nhà số 5. Cách nay khoảng 30 năm NSND Phạm Thị Thành dựng cho chèo, phía Nam có Vũ Minh dựng từ 2004.
Người tốt nhà số 5 xoay quanh kỹ sư Hiệp được cậu bạn thân tên Bình mời về ở cùng ngôi nhà số 5 với các gia đình như ông Kỉnh trông coi bảo tàng, vợ chồng Thuỷ - Chất, mẹ con bà Ngoạt làm lốp, hai vợ chồng kỹ sư Bình - Yến. Căn phòng của Hiệp bị dột nát nhưng nhất định không chấp nhận bỏ tiền “hối lộ” cho người có chức trách tới sửa. Điều đó làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người khác. Từ chỗ là bạn thân, Hiệp dám đấu tranh phản đối Bình vì đề án sai lầm-phát triển cây sắn như thứ lương thực tối ưu. Sau rất nhiều mâu thuẫn, Hiệp bị đuổi khỏi căn nhà số 5.
Một vở diễn về thời bao cấp, chuyện sửa chữa nhà cửa thời ấy càng lạc hậu, khó hấp dẫn, anh làm thế khác nào đâm đầu vào đá?
Cái hay của kịch Lưu Quang Vũ là có tính dự báo. Ông viết về con người, ở mọi thời con người đều là nhân vật trung tâm. Người tốt nhà số 5, câu chuyện đơn giản là ngôi nhà bị dột, anh Hiệp kỹ sư không chịu thoả hiệp vì anh ta sợ đồng loã với việc hối lộ, làm hư hỏng các quy tắc xã hội. Bây giờ mọi thứ khác rồi, nên tôi không xoáy vào ngôi nhà nữa. Đó chỉ là cái cớ nảy sinh mâu thuẫn kịch. Mâu thuẫn lớn nhất tôi muốn khai thác rõ ràng là mâu thuẫn giữa cái tốt-cái xấu, giữa lợi ích cá nhân với lợi ích chung.
Chúng ta cần không phải là thay đổi cái tốt, cái xấu mà là thay đổi tư duy. Cái tốt và cái xấu song hành, không thể triệt tiêu nhau mới thúc đẩy xã hội phát triển. Về cuối vở diễn, các nhân vật nói được điều ấy: “Anh ấy đi hay ở có quan trọng gì đâu nếu mọi sự không thay đổi”.
Không riêng vở này, nhiều kịch bản của Lưu Quang Vũ có vẻ không phù hợp với thời hiện đại. Muốn hấp dẫn khán giả, thổi hơi thở cuộc sống đương đại anh chắc phải dụng công không ít?
Tôi xin phép gia đình dựng vở này, gần tới ngày diễn lên nơi an nghỉ của vợ chồng nhà viết kịch Lưu Quang Vũ thắp hương. Tôi thầm xin với tác giả có những điều chỉnh nhất định.
Nếu để nguyên, vở này bét nhất cũng dài bốn tiếng. Kịch bản Lưu Quang Vũ tính triết lý cao, có nhiều câu triết lý về lòng tốt, tôi cũng bỏ bớt, muốn thông qua các nhân vật bật lên điều đó chứ không phải cách thoại sách vở. Tôi không giải thích về ngôi nhà, không đi sâu thời bao cấp. Tôi cũng làm đậm nét hơn tình cảm của đôi trẻ Hiệp-Mây với những mảng miếng trẻ trung, nhí nhảnh để khán giả đỡ mệt.
Tôi không dừng lại ở cái kết dễ dàng trong kịch bản-sau khi Hiệp bỏ đi người ta tới sửa nhà cho Hiệp. Cái kết của tôi là sự sáng tạo riêng trên cơ sở bám sát tinh thần của Lưu Quang Vũ. Có người bảo cho Hiệp bay về thế giới khác đi, người tốt như Hiệp không thể tồn tại trong cuộc đời nghiệt ngã này được đâu. Cuộc đấu tranh của Hiệp để bảo vệ cái tốt thất bại, nhưng tôi không cho Hiệp chạy trốn mà bắt cậu ấy phải tiếp tục sống, tiếp tục đấu tranh. Mây chính là điểm tựa của Hiệp, chủ động tìm Hiệp để bắt buộc cậu không được lẩn tránh, phải đấu tranh tới cùng cho dù phải trả giá.
Xem “Người tốt nhà số 5” thấy sự tươi mới. Anh có thể nói kỹ hơn về ý tưởng trang trí tổ kén trên sân khấu?
Trang trí bối cảnh, giải quyết không gian trong từng gia đình quả thực là thách thức không nhỏ. Sân khấu không thể như truyền hình để đạo diễn “chui vào” từng ngôi nhà mà cận cảnh. Tôi và NSƯT Doãn Bằng thống nhất ý tưởng biến mỗi ngôi nhà đó thành những tổ kén. Trong mỗi tổ kén ấy là nơi diễn ra những câu chuyện riêng, tổ kén cũng là hình ảnh về việc con người ta bó buộc mình lại.
Nhiều nghệ sĩ, khán giả sau đêm diễn nói với tôi rất thích lớp diễn hai vợ chồng Bình- Yến đồng sàng dị mộng. Nhờ cách trang trí, đạo cụ mà khán giả nhìn lên sân khấu mà có cảm giác hai vợ chồng nọ đang cùng nằm trên chiếc giường.
Tôi làm đậm nét lát cắt, tạo ra mâu thuẫn về sự ích kỷ cá nhân để tạo ra sự hấp dẫn trong mỗi gia đình. Trong ngôi nhà số 5 có đủ thành phần, là xã hội thu nhỏ từ cô thợ uốn tóc, giáo viên dạy thể dục, ông coi bảo tàng, bà buôn bán ở chợ, người làm lốp, ba người đại diện giới trí thức là Bình, Yến, Hiệp và cô Mây người yêu của Hiệp làm thợ sắp chữ ở xưởng in.
Hiệp là cái cớ để nhân vật xung quanh bộc lộ rõ nét hơn, là tác nhân để khi vắng Hiệp người ta thay đổi tư duy và tự mình xé toạc kén bó buộc mình. Chính Hiệp cũng là người đầu tiên vỡ ra rằng mình cũng ích kỷ, không phải người tốt khi tự bật ra rằng mình chưa phải người tốt mà mới mơ mộng về điều tốt.
Điều tôi hạnh phúc nhất là vở diễn được các thầy trong hội đồng chấm thi khen ngợi,bạn bè đồng nghiệp,báo giới và khán giả đón nhận.Đó là động lực để tôi có thêm nhiều sáng tạo trong những tác phẩm mới trong vai trò Đạo diễn của mình.
Cảm ơn anh.
* Người tốt nhà số 5 quy tụ dàn diễn viên: Thế Nguyên, Khuất Quỳnh Hoa, Ngô Thuận, Dũng Nam, NSƯT Việt Thắng, Khánh Linh, Thanh Hường. Bên cạnh sáng tạo về trang trí, đạo diễn khai thác tốt hiệu ứng âm thanh của máy đánh chữ, tiếng mưa, giọt nước tí tách bức bối. * Tạ Tuấn Minh từng ghi dấu ấn với nhiều vai diễn trong Hamlet, Kiều, Thế sự vừa hoàn thành vở diễn tốt nghiệp lớp đạo diễn sân khấu.
“Người tốt nhà số 5” do Tạ Tuấn Minh thử sức dàn dựng