Tự phong thiếu tướng, lừa đảo chiếm đoạt gần 50 tỷ

Đối tượng Hoa Hữu Long và vợ là Cao Thị Kim Loan. Ảnh: CAND
Đối tượng Hoa Hữu Long và vợ là Cao Thị Kim Loan. Ảnh: CAND
TPO - Hoa Hữu Long tự phong mình là Tư lệnh, Thiếu tướng đứng đầu Tổng cục S10 (tổ chức không tồn tại trên thực tế) để lừa đảo, thu tiền của hơn 800 người xin việc để chiếm đoạt gần 50 tỷ đồng.  

Viện kiểm sát (VKS) nhân dân thành phố Hà Nội có báo cáo dự kiến trình kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố Hà Nội về kết quả công tác kiểm sát năm 2018 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2019. Theo đó, về tình hình tội phạm, lừa đảo, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố nhận định, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tiếp tục được giữ vững, ổn định.

Về tội phạm, cơ quan điều tra đã khởi tố 6.756 vụ, Viện kiểm sát phê chuẩn quyết định khởi tố 10.199 bị can, tăng 297 vụ, 293 bị can so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, về tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, khởi tố 1 vụ, 1 bị can về tội Tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Về tội phạm về ma túy: Khởi tố 2.733 vụ/3.233 bị can. Trong đó, điển hình là vụ Nguyễn Hữu Chuyền, Trần Thị Luyện mua bán, tàng trữ 76 bánh heroine và một số lượng lớn ma túy tổng hợp; vụ Tạ Anh Tuấn vận chuyển 47 bánh heroine từ Sơn La về Hà Nội; vụ 2 anh em Lầu A Chia và Lầu A Chứ vận chuyển trái phép 40 bánh heroine...

Tội phạm về tham nhũng và chức vụ: Khởi tố 22 vụ/51 bị can gồm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ  17 vụ/43 bị can; tham ô tài sản 2 vụ/3 bị can; lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản 1 vụ/1 bị can; giả mạo trong công tác 1 vụ/2 bị can; đưa hối lộ 1 vụ/1 bị can.

Đáng lưu ý là vụ án Hoàng Văn Bình, cán bộ Phòng Quản lý đô thị của UBND huyện Phúc Thọ lập khống, làm giả hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án hệ thống chiếu sáng tuyến đường liên xã để vụ lợi hơn 1 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.

Tội phạm về kinh tế và môi trường: Khởi tố 105 vụ/163 bị can. Tội phạm xâm phạm sở hữu khởi tố 2.184 vụ/2.333 bị can. Trong đó có các tội trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản...

Báo cáo cũng nhìn nhận tội phạm lừa đảo qua internet, facebook, lừa đảo qua các chương trình trúng thưởng, lừa đảo thông qua hình thức nhận tiền đưa người đi lao động tại nước ngoài và xin việc vào các cơ quan nhà nước diễn ra phổ biến với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi...

Điển hình là vụ Hoa Hữu Long tự phong mình là Tư lệnh, Thiếu tướng đứng đầu Tổng cục S10 (tổ chức không tồn tại trên thực tế) để lừa đảo, thu tiền của hơn 800 người xin việc để chiếm đoạt gần 50 tỷ đồng.

Tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp đã khởi tố 2 vụ/7 bị can. Tội phạm về trật tự xã hội khởi tố 1.709 vụ/4.411 bị can. Trong đó có các vụ liên quan đến cố ý gây thương tích, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc; chứa mại dâm, môi giới mại dâm; chống người thi hành công vụ...

Đáng lưu ý, có một số vụ giết người có tính chất man rợ; một số vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn, xô xát cá nhân dẫn đến giết người thân gây bức xúc, dư luận xã hội quan tâm, là thực trạng đáng báo động về đạo đức, lối sống trong xã hội

VKS cũng cho biết, đã khởi tố 47 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 44 vụ xâm hại tình dục. Trong đó, có 6 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi; 30 vụ giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; 8 vụ dâm ô với người dưới 16 tuổi; 1 vụ giết con mới đẻ, 2 vụ ngược đãi, hành hạ con, điển hình là một số trường hợp trẻ em bị bạo hành, xâm hại trong thời gian dài gây bức xúc, dư luận xã hội quan tâm như vụ bé trai 9 tuổi bị bố đẻ dùng dây điện đánh đập nhiều năm ở Đông Anh; vụ bé trai 10 tuổi bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành suốt 2 năm ở Cầu Giấy; vụ dâm ô 6 bé gái tại trường Tiểu học An Thượng A, Hoài Đức...

MỚI - NÓNG