Theo Thiếu tướng Lê Đức Thái, 5 năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phát huy tốt vai trò nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh.
Từ đó, đã có những kết quả nổi bật như chủ động nắm, nghiên cứu, đánh giá, dự báo đúng tình hình; phối hợp với các lực lượng tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; xây dựng dự án Luật Biên phòng Việt Nam và chủ trương, đối sách xử lý hiệu quả các tình huống trên biên giới, không để bị động, bất ngờ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Tổ chức quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng duy trì các hiệp định, quy chế, kịp thời giải quyết các vụ việc, không tạo thành “điểm nóng” trên biên giới. Tham mưu và trực tiếp tham gia phân giới, cắm mốc; xây dựng các văn bản pháp lý hóa 84% kết quả phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. Duy trì nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu; tích cực, chủ động tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ở khu vực biên giới (KVBG), hải đảo; phối hợp với các quân khu ứng phó kịp thời với các tình huống an ninh phi truyền thống, nhất là trong phòng, chống dịch COVID-19.
Xây dựng kế hoạch nghiệp vụ, xác lập nhiều chuyên án đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy. Trong nhiệm kỳ, BĐBP đã phát hiện, bắt giữ 54.314 vụ/90.062 đối tượng; đấu tranh thành công 6.636 chuyên án; khởi tố 4.986 vụ/6.120 đối tượng, thu giữ 16,85 tấn ma túy; giải cứu hàng trăm phụ nữ, trẻ em; tịch thu hàng hóa, tang vật vi phạm, phát mại sung công quỹ nhà nước gần 1 nghìn tỷ đồng...
Nhiệm kỳ 2015-2020, BĐBP đã tăng cường 332 cán bộ cho các xã biên giới, phân công 2.096 đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại 1.877 chi bộ thôn, bản biên giới; 9.661 đảng viên đồn Biên phòng phụ trách 42.247 hộ gia đình; nhận đỡ đầu gần 3.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (trong đó có 190 trẻ em của Lào và Campuchia); nhận nuôi 355 cháu có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng”.
Xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh
Thiếu tướng Lê Đức Thái cho biết: Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với nước ta. Tình hình vi phạm chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, nhất là trên Biển Đông, vùng biển Tây Nam và một số địa bàn chiến lược tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định; các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, xuyên biên giới có chiều hướng gia tăng với những phương thức, thủ đoạn mới khó nhận diện; cùng với những thách thức an ninh phi truyền thống đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ công tác Biên phòng ngày càng toàn diện, nặng nề.
Khẳng định đoàn đại biểu Đảng bộ BĐBP nhất trí cao với nhận định, phương hướng, mục tiêu, các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo được Quân ủy Trung ương xác định trong Báo cáo chính trị, Tư lệnh BĐBP đề nghị cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản.
Đó là tiếp tục quán triệt, nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, biên phòng. Chủ động nghiên cứu, phối hợp với các lực lượng nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình, kịp thời báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiệm vụ Biên phòng và xây dựng nền Biên phòng toàn dân, thế trận Biên phòng toàn dân vững mạnh; xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Biên phòng Việt Nam.
Triển khai toàn diện, đồng bộ các biện pháp công tác Biên phòng; tổ chức quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Tham mưu bổ sung, điều chỉnh 3 văn kiện pháp lý tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Phối hợp triển khai thực hiện 2 văn kiện pháp lý và tham gia đàm phán giải quyết 16% khối lượng công việc còn lại tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ huấn luyện; duy trì nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống dịch bệnh.
Đổi mới nội dung, hình thức hợp tác và các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa lực lượng chức năng và nhân dân hai bên biên giới; xây dựng lòng tin chiến lược, hướng đến hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, lực lượng chức năng các nước nghiên cứu, phát hiện và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm công nghệ cao, xuyên quốc gia, xuyên biên giới…
“Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP kiến nghị với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng báo cáo, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ban, bộ, ngành và địa phương liên quan ưu tiên đầu tư xây dựng kè sông, suối biên giới, mốc quốc giới tại các khu vực xung yếu; xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường tuần tra, các công trình bảo vệ biên giới; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở KVBG; quan tâm đầu tư phương tiện, trang bị tiên tiến, hiện đại, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, công tác của BĐBP theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới”, Thiếu tướng Lê Đức Thái nói.