Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng: Sáng ngời tâm hồn, nhân cách, tư tưởng Hồ Chí Minh

0:00 / 0:00
0:00
Cuốn sách Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng đã được tái bản 20 lần
Cuốn sách Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng đã được tái bản 20 lần
TP - “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng” là tên một cuốn sách của tác giả Trình Quang Phú và cũng là nội dung buổi sinh hoạt chuyên đề do Hội Nhà văn TPHCM tổ chức sáng 2/6, nhân kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2021).

Do ảnh hưởng của dịch COVID - 19, số lượng khách tham gia trực tiếp rất hạn chế, song rất nhiều độc giả đã chú ý theo dõi nội dung chương trình qua fanpage của Hội.

Yêu thương

Từ làng Sen đến Bến Nhà Rồng được chia làm hai phần. Phần một mang tên Miền Nam trong trái tim Người, bao gồm những mẩu chuyện gần gũi, những kỷ niệm đẹp về tình cảm của Bác Hồ với văn nghệ sĩ trí thức miền Nam, đặc biệt là những cuộc gặp gỡ đầy hạnh phúc giữa những cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra thăm Thủ đô và được gặp Bác.

“Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng”, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1997, đã được tái bản 20 lần. Theo tác giả Trình Quang Phú, mỗi lần tái bản ông đều có những chỉnh sửa, bổ sung các tư liệu mới có giá trị.

Tác giả Trình Quang Phú kể lại khá đầy đủ, chân thực các cuộc gặp gỡ của Bác với các Anh hùng, chiến sĩ Quân giải phóng miền Nam như Tạ Thị Kiều, Ngô Thị Tuyết, Trần Thị Bưởi, Hồ Thị Thu, Huỳnh Thị Kiển, Hồ Sỹ Thản… Ngoài ra, những kỷ niệm của một số đồng chí từng giữ trọng trách trong Đảng và Nhà nước cũng được kể lại trong sách.

Đó là: Kỷ niệm những lần gặp Bác của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Những kỷ niệm sâu sắc về Bác Hồ của đồng chí Nguyễn Thị Bình, Đường Hồ Chí Minh của luật sư Trịnh Đình Thảo… Những câu chuyện được thể hiện qua lời văn mộc mạc, giản dị, cho thấy tình cảm chân thành của cán bộ, chiến sĩ miền Nam đối với Bác, qua đó toát lên tình cảm yêu thương vô bờ bến của Người dành cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam.

Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng: Sáng ngời tâm hồn, nhân cách, tư tưởng Hồ Chí Minh ảnh 1

Phần hai, mang tên Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng, viết về những ngày niên thiếu của Bác ở làng Sen, ở Huế, Bình Định, Phan Thiết và Sài Gòn, rồi ra đi tìm đường cứu nước năm 1911. Tác giả Trình Quang Phú phải mất rất nhiều thời gian, công sức để gặp gỡ nhân chứng, tìm hiểu, đối chiếu tư liệu từ nhiều nguồn.

Ông cho biết, từ năm 1959, khi còn là cán bộ thuộc Ban miền Nam của Trung ương Đảng, ông đã bắt tay vào viết cuốn sách này. Vì thế, ông may mắn được trực tiếp tham gia việc đưa đón các đoàn anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua của Quân giải phóng miền Nam và cán bộ, chiến sĩ ở miền Nam ra thăm miền Bắc, được đến thăm Bác Hồ.

“Hầu hết những câu chuyện trong phần một đều do tôi trực tiếp chứng kiến, tôi đã đăng trên báo Tiền Phong từ những năm đó với tư cách một thông tin viên của báo. Còn với phần 2, tôi bắt đầu thực hiện từ ngày đất nước thống nhất. Khi đó tôi mới có cơ hội đi tới những nơi Bác từng đặt chân tới, gặp gỡ các nhân chứng hay cùng Ban lịch sử Đảng các tỉnh tổ chức các cuộc hội thảo, thu hút các nhà nghiên cứu, các nhà sử học cùng tham gia với chúng tôi. Vì thế, đây không phải là cuốn sách của riêng tôi mà là công sức của rất nhiều người” - ông Phú nói.

Giá trị

Tại buổi sinh hoạt, nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu đánh giá cao giá trị của cuốn sách. Tác giả Đỗ Viết Nghiệm đánh giá, chỉ những ai có hạnh phúc lớn được gần Bác, công tác bên Bác, hoặc nhiều lần gặp Bác mới có thể hiểu sâu sắc về Bác. “Tác giả Trình Quang Phú viết lại những gì mình thấy, mình cảm nhận nên cuốn sách có những tư liệu độc đáo”, ông Nghiệm chia sẻ.

Theo nhà văn Nguyễn Thị Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, năm nay là năm kỷ niệm 110 năm Bác ra đi tìm đường cứu nước; trong bối cảnh đất nước đang còn nhiều khó khăn do dịch bệnh, việc xuất bản lại cuốn sách góp phần giúp chúng ta hiểu hơn về nhân cách cao cả, vĩ đại mà rất đỗi bình dị của một người suốt đời đấu tranh cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam, qua đó góp phần giáo dục, rèn luyện cho mọi người tiếp tục học tập, tu dưỡng và làm theo theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

GSTS Trình Quang Phú sinh năm 1940 tại Phú Yên, tham gia Cách mạng từ nhỏ. Ông hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển phương Đông. Năm 2016, ông được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

MỚI - NÓNG