> Đến năm 2015 sẽ phân tầng đại học
Phòng thí nghiệm trọng điểm của ĐHKHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh : ĐH Khoa học Tự nhiên. |
Kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và đề xuất phương hướng trong thời gian tới là nội dung cuộc làm việc diễn ra tại Bộ GD&ĐT ngày 8-5.
PGS. TS Nguyễn Quang, Trưởng ban KHCN (Ban Tuyên giáo T.Ư), cho biết, theo đánh giá chung, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của các trường đại học (ĐH) ở Việt Nam đang có nhiều khó khăn và mặc dù đạt được nhiều kết quả, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ông cho biết, theo đánh giá của quốc tế thì hiện nay công tác này có 3 điểm nghẽn phát triển: dịch vụ công vận hành chưa tốt do có nhiều điểm nghẽn về cơ chế, chính sách; đào tạo ĐH chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao; chỉ số sẵn sàng về công nghệ, bao gồm cả cơ chế chính sách, nguồn nhân lực và sự đầu tư cho công nghệ, còn thấp.
Ông Quang nói: Để nâng cao chất lượng phát triển nguồn nhân lực, các trường ĐH phải lấy NCKH làm trọng, nhưng do cơ chế, chính sách cho hoạt động nghiên cứu còn bất cập, các nhà giáo đi dạy quá nhiều, không có thời gian dành cho NCKH.
Trường ĐH không có NCKH không thể được gọi là trường ĐH mà là... trường cấp 4.
Phóng viên báo Tiền Phong đã trao đổi với PGS.TS Nguyễn Quang xung quanh vấn đề: NCKH ở các trường ĐH.
Có ý kiến cho rằng, các hoạt động nghiên cứu tại trường ĐH, CĐ hiện nay của ta chỉ mang tính hình thức và thiếu tính ứng dụng. Theo ông, vì sao xảy ra tình trạng này?
Ngoài lý do đầu tư chưa tương xứng với đội ngũ, kéo theo thu nhập thấp, đãi ngộ chưa thỏa đáng nên không ai muốn làm NCKH, phải kể đến con đường NCKH ở các trường ĐH đang diễn ra theo một chiều.
Các nhà khoa học tự nghĩ ra đề tài NCKH, tự đề xuất, tự đánh giá, ít phủ quyết nên hiệu quả ứng dụng kém hoặc sẽ có những nghiên cứu khoa học “làm phép” như có ý kiến đã đặt vấn đề và chỉ có rất ít đề tài được làm theo đơn đặt hàng.
Vậy trong thời gian tới, công tác NCKH có gì đổi mới để kéo các trường ĐH khỏi cái danh “trường cấp 4”?
Ngoài tăng cường đầu tư nguồn lực, việc NCKH ở trường ĐH sẽ thực hiện theo cơ chế đặt hàng. Các nhà khoa học không tự nghĩ ra đề tài mà các NCKH phải được xuất phát từ thực tiễn và được đặt hàng cho các ĐH nghiên cứu.
Ví dụ, những nghiên cứu khoa học cơ bản giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế xã hội phải có sự đặt hàng từ cơ quan nhà nước, do các hội đồng khoa học của các cơ quan nhà nước giải quyết.
Những nghiên cứu mang tính hoạch định chủ trương, đường lối thì Đảng và Nhà nước đặt hàng; những nghiên cứu thuộc lĩnh vực KHCN phục vụ doanh nghiệp do doanh nghiệp đặt hàng.
Việc chi trả sẽ thực hiện theo nhiều công đoạn: giai đoạn một, Nhà nước chi trả; giai đoạn hai trở đi, nếu đề tài mang tính ứng dụng cao, doanh nghiệp sẽ chi trả; nếu đề tài không có tính ứng dụng sẽ không được tài trợ... Làm như thế, các NCKH sẽ dần dần mang tính ứng dụng cao.
Bao giờ các giải pháp này được thực hiện?
Đáng lẽ giải pháp này được thực hiện từ năm 2012, nhưng do kế hoạch thực hiện bao giờ cũng phải được đề xuất từ tháng 7, tháng 8 năm trước nên năm 2013 sẽ thực hiện từ khâu đề xuất.
Cám ơn ông.
Hồ Thu